Nhận biết thịt có bị nhiễm "bẩn"
Theo khuyến cáo của chuyên gia với quy trình giết mổ, chế biến, bảo quản tại Việt Nam thịt lợn có nguy cơ bị nhiễm "bẩn". Nguồn nhiễm "bẩn" có thể là vi khuẩn, vi rút mắt thường không thấy được. Khi ăn thịt nhiễm bẩn sẽ gây ra triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy…
Thịt thường bị nhiễm khuẩn bởi: vi khuẩn thương hàn, vi rút Norovirus hay Norwalk, vi khuẩn Campylobacter, vi khuẩn E. Coli, vi khuẩn Listeria, vi khuẩn gây ngộ độc thịt…
Thịt tươi là thịt có màu sắc tự nhiên, không có mùi lạ..., ảnh minh họa.
Ths.BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay: để tránh thịt nhiễm "bẩn" hãy vận dụng thị giác, khứu giác và xúc giác của bạn một cách hiệu quả.
Quan sát bằng mắt thường (thị giác)
Khi quan sát bằng mắt thường, thịt tươi sẽ có màu đỏ hoặc hồng. Nếu thịt có màu nhợt nhạt không có sắc hồng hoặc chuyển sang màu bất thường, thì chắc chắn thịt đã bị nhiễm "bẩn".
Đối với thịt đông lạnh nếu màu sắc bất thường chứng tỏ protein đã bị biến tính. Có nghĩa là dưỡng chất trong thịt đã bị biến tính sẽ ảnh hưởng tới vị ngon của thịt. Nếu thịt để ra môi trường tự nhiên sẽ bị nhiễm "bẩn" nhanh hơn và có thể gây hại cho sức khỏe.
Ngửi (khứu giác)
Sau khi, quan sát bằng mắt thường nếu bạn không phát hiện ra màu sắc bất thường của miếng thịt hãy thử đến sự nhạy bén của khứu giác.
Thịt tốt sẽ có mùi tự nhiên của thịt. Nếu ngửi thấy thịt có mùi hôi, thối hoặc sulfuric dấu hiệu chứng tỏ thịt bị nhiễm độc.
Quan sát chất nhớt (xúc giác)
Nếu dùng tay sờ vào miếng thịt cảm thấy có màng nhớt, chắc chắn miếng thịt đã bị nhiễm "bẩn".
Cách bảo quản thịt an toàn
Cách ăn thịt an toàn cần phải mua thịt khi còn tươi ngon. Trước khi chế biến cần rửa sạch thịt và tốt nhất là ăn thịt trong ngày.
Bác sĩ Nguyệt cho hay: "Thịt tươi có thể giữ trong khoảng 4 ngày khi bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ, 4 độ C hoặc thấp hơn. Nhưng thời gian này còn tùy thuộc vào loại thịt và loại bao bì. Bảo quản thịt tươi an toàn trong tủ lạnh cần rửa sạch miếng thịt, dùng bao gói kín hoặc để trong hộp kín sẽ giúp thịt bảo quản tốt hơn".
Với thịt cấp đông, thịt sau sơ chế cần bảo quản trong trong tủ không quá 6 tháng ở nhiệt độ, 0 độ C.
"Để giữ hương vị và chất lượng của thịt cần lưu ý bọc thịt cẩn thận trong giấy đông lạnh.
Thịt cấp đông hương vị và chất lượng sẽ giữ được lâu hơn nếu bọc thêm một lớp giấy kim loại dày, giấy đông lạnh hoặc đặt trong các hộp chuyên dụng của ngăn đông lạnh. Cách làm này có thể giữ được thịt trong khoảng 2 tháng", bác sĩ Nguyệt nói.
Bác sĩ Nguyệt khuyến cáo khi bảo quản thịt nếu nghi ngờ miếng thịt có sự bất thường về màu sắc, mùi vị, độ nhớt thì nên bỏ. Nếu tiếc ăn miếng thịt như vậy bạn có thể bị ngộ độc do thịt đã bị biến tính hoặc đã bị nhiễm "bẩn".