Ê kíp trực tắc trách?
Sự việc đau lòng trên xảy ra với gia đình vợ chồng anh Võ Hoài Nam (SN 1984, trú thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) và chị Hoàng Thị Nhung (SN 1990) vào ngày 3/9 tại khoa Sản, bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Anh Nam cho hay, vợ anh đang mang thai hơn 32 tuần tuổi. Ngày 3/9, chị Nhung mệt mỏi, chóng mặt và có triệu chứng hơi đau bụng. Hai vợ chồng quyết định vào TP Huế để khám thai tại một phòng khám tư nhân.
Tại đây, bác sĩ khám chẩn đoán sức khỏe thai nhi hơi yếu nên cần các biện pháp bảo vệ. Bác sĩ này cũng yêu cầu cho chị Nhung đến bệnh viện nhập viện để điều trị.
Ngay sau đó vào khoảng 17h, chị Nhung được anh Nam đưa đến khoa Sản, bệnh viện Trung ương Huế làm thủ tục nhập viện. Vợ chồng anh Nam đề nghị khám tổng quát và đo tim thai.
Anh Nam đau đớn kể lại sự việc
"Họ có khám cho vợ tôi. Sau đó y tá tiêm các liều thuốc giảm co tử cung, thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi.
Tuy nhiên, yêu cầu đo tim thai của vợ chồng tôi thì họ không thực hiện dù tôi nhiều lần yêu cầu", anh Nam bức xúc nói.
Theo anh Nam, do chờ đợi quá lâu nên đến khoảng 20h cùng ngày, anh Nam đi tìm một nhóm nữ hộ sinh để tiếp tục yêu cầu đo tim thai cho con của mình. Lúc này, anh nhận được câu trả lời từ một nữ hộ sinh rằng "không phải đo rồi à?".
"Tôi tức giận nói chưa đo tim thai thì một người mới mở bệnh án ra xem. Trong bệnh án thể hiện rõ họ chưa đo tim thai.
Phải đến 20h30, họ mới đến đo tim thai cho vợ tôi. Lúc này thì quá muộn, họ nói không thấy tim thai nữa. Con tôi đã tử vong vì sự tắc trách của họ", anh Nam bức xúc.
Bệnh viện mong được giảng hòa
Theo anh Nam, quá đau đớn vì mất con nên vợ anh đã ngất xỉu. Bản thân anh Nam vừa chăm sóc vợ, vừa phản ánh đến lãnh đạo khoa Sản và lãnh đạo bệnh viện Trung ương Huế ngay trong đêm 3/9.
Đến chiều ngày 4/9, lãnh đạo bệnh viện Trung ương Huế mới gặp mặt và làm việc với gia đình anh Nam. Buổi làm việc có ông Phạm Như Vĩnh Tuyên, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Trung ương Huế, ông Lê Minh Toàn, Trưởng khoa Sản, và một số nữ hộ sinh, bác sĩ trong kíp trực hôm xảy ra vụ việc.
"Mấy người hộ sinh, y tá, bác sĩ trong đó có hộ sinh tên Thảo, bác sĩ tên Đo thừa nhận sai sót khiến con tôi tử vong. Họ nói sẽ chịu trách nhiệm.
Họ thừa nhận lỗi là do vợ tôi nhập viện từ lúc 17h nhưng hơn 20h mới đo tim thai", anh Nam cho hay.
Khoa Sản, bệnh viện Trung ương Huế
Theo anh Nam, ông Toàn cũng xin chịu trách nhiệm về cái chết của con tôi. Bác sĩ này cho biết sai sót của ê kíp trực từ việc tiếp nhận đến theo dõi, đánh giá tình hình.
Ông Tuyên cũng thay mặt bệnh viện chia buồn với gia đình sản phụ Nhung. Ông Tuyên mong phía gia đình có sự đồng cảm với bệnh viện. Bệnh viện Trung ương Huế cũng yêu cầu có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng với những người trong ê kíp trực.
"Ông Tuyên cũng nói với gia đình rằng bệnh viện mong muốn hai bên giảng hòa" sau sự cố. Họ gọi đây là sự cố chứ không phải tắc trách dẫn đến tử vong. Họ cũng nói gia đình đừng phản ánh sự việc với báo chí", anh Nam cho hay.
Ông Toàn cho biết, sau cuộc họp với gia đình anh Nam đã đưa ra phương án phê bình và cắt phúc lợi 6 tháng đối với bác sĩ trực chính trong ê kip. Bệnh viện cũng cảnh cáo nữ hộ sinh trưởng ca trực, cắt phúc lợi 3 tháng và thay đổi vị trí công tác.
Ngoài ra, bản thân ông Toàn cũng nhận khuyết điểm trước toàn khoa và cắt phúc lợi 3 tháng. Tuy nhiên theo ông Toàn, đây mới là ý kiến đề xuất do khoa Sản đưa ra và quyết định cuối cùng do Ban lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế quyết định.