Theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn – nguyên trưởng khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Trung ương quân đội 108, hội chứng chân tay lạnh thường gặp ở những người thể trạng hư hàn hoặc mắc các bệnh lý thuộc về chứng dương hư và khí hư. Ở những trường hợp này, ngoài các biểu hiện chân tay thường xuyên bị lạnh thì còn dễ bị cảm lạnh, dễ đầy bụng, đi ngoài do nhiễm lạnh. Để cải thiện chứng chân tay lạnh, bệnh nhân nên bổ sung một số loại thực phẩm có tính chất ôn ấm nhằm tăng dương khí.
“Chúng ta nên trọng dụng các loại thực phẩm, ví dụ như thịt dê, thịt chim sẻ, cá ngựa, tắc kè, tôm. Về các loại rau và gia vị thì chúng ta nên ưu tiên sử dụng như là gừng, hạt tiêu, đinh hương, tỏi, rau hẹ. Đối với rượu, nếu uống liều lượng vừa phải thì rất tốt vì rượu trắng có tác dụng đại nhiệt, giúp cho cơ thể dự phòng chứng chân tay lạnh cũng như là phòng, chống cảm lạnh rất là tốt. Đương nhiên chúng ta phải uống đúng liều lượng, nghĩa là trong một ngày chỉ được phép uống từ 20 - 30ml rượu”, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn hướng dẫn.
Y học cổ truyền cũng có một số bài thuốc giúp trị chứng chân tay lạnh, bao gồm thuốc xoa bên ngoài và uống bên trong. Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn cho biết, ngay tại gia đình, bạn có thể chế biến một số bài thuốc để chữa trị chứng chân tay lạnh. Đó là ngâm rượu gừng, rượu quế, rượu đậu khấu, rượu nhân sâm...Các loại rượu này có thể vừa dùng để xoa xát bên ngoài chân tay, vừa có thể uống một chén nhỏ, đặc biệt là trước khi ra ngoài trời lạnh.
Đồng thời, để chân tay đỡ lạnh, khí huyết lưu thông, chúng ta có thể áp dụng biện pháp ngâm chân. Nước ngâm chân chỉ cần là nước muối nóng hoặc bạn có thể dùng một số loại dược liệu như ngải cứu, lá lốt, củ gừng, quế... đem sắc lấy nước và ngâm chân. Người bệnh nên chú ý nhiệt độ nước để tránh bị bỏng và lau khô chân ngay sau khi ngâm xong.
Ngoài việc ăn uống và dùng thuốc, BS Hoàng Khánh Toàn khuyên người bệnh nên chăm chỉ và kiên trì luyện tập thể dục, thể thao. Việc vận động sẽ giúp điều hòa khí huyết, giúp máu lưu thông đến các chi tốt hơn và làm ấm cơ thể.
"Mỗi sáng thức dậy hoặc trước khi đi ngủ, bạn nên chà sát lòng bàn tay, bàn chân vào với nhau khoảng 50 - 100 lần. Điều này làm cho kinh mạch lòng bàn tay, bàn chân được ôn dưỡng, khí huyết lưu thông do đó, giúp cho chân tay đỡ bị lạnh. Bên cạnh đó, có thể tập luyện một số môn như yoga, khí công, ngồi thiền, thái cực quyền...Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh phải tập luyện kiên trì trong một thời gian dài thì các triệu chứng chân ta lạnh mới được cải thiện.
BS Hoàng Khánh Toàn lưu ý, nếu tình trạng bàn chân và bàn tay lạnh bất kể tình trạng thời tiết đi kèm với các triệu chứng như ngón chân, ngón tay thay đổi màu sắc hoặc khó thở, thì bạn cần nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.