Y sĩ 'gắn mác' bác sĩ
Thời gian qua, báo Tiền Phong nhận phản ánh của người dân về việc nhân viên Phòng khám Nha khoa Việt (trụ sở tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh ) không đủ trình độ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề nhưng “gắn mác” bác sĩ nha khoa để khám, điều trị các vấn đề về răng cho nhiều người, gây nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Trong vai bệnh nhân có vấn đề về răng miệng, phóng viên có mặt tại Phòng khám Nha khoa Việt (trụ sở tại thôn Châu Lĩnh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ). Tại đây có 2 nhân viên nữ tiếp đón, trực tiếp khám, tư vấn lấy cao răng, bọc sứ một số răng. Mỗi răng sứ khi bọc được tư vấn giá 700.000 đến 2.500.000 đồng.
Y sĩ Trần Văn Dương tự gắn mác "bác sĩ" để khám, điều trị răng cho khách.
Lúc sau, “bác sĩ” Trần Văn Dương – người trực tiếp bọc sứ và xử lý các vấn đề về răng có mặt, khám và tư vấn khách hàng cần nhổ 2 răng số 8. Vị 'bác sĩ nha khoa' này cũng tư vấn một số răng bị bong lớp men, cần bọc sứ để bảo vệ lâu dài.
“Bác sĩ” Dương nhận mình từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực Nha khoa và tự tin nhổ các răng dễ đến khó, không để lại các biến chứng cho bệnh nhân.
“Đa số nhổ răng số 8 hàm trên không đau vì không sang chấn đến xương hàm xung quanh ổ răng. Răng này nhổ lâu thì 15 phút, nhanh chưa đến phút là xong. Nếu nhổ thì anh điện trước cho em khoảng 30 phút để vệ sinh, hấp sấy tiệt trùng dụng cụ, thiết bị nhổ. Hãy xem lúc nhổ răng như một cuộc dạo chơi, không có gì phức tạp”, bác sĩ Dương trấn an.
Chỉ là 'sơ suất trong hoạt động'?
Bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Lê – Chủ phòng khám Nha khoa Việt cho biết, cơ sở được cấp giấy phép hoạt động từ tháng 9/2022. Phòng khám có 3 nhân viên, gồm 2 nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hà Trang, Cao Thị Hậu và y sĩ Trần Văn Dương. Trong các nhân viên chỉ có điều dưỡng Trang đã có chứng chỉ hành nghề.
nhân viên tại phòng khám song chỉ có một điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề.
“Ngoài một số ca bệnh tôi trực tiếp xử lý, lúc bận tôi đã giao cho các nhân viên tiếp đón, viết giấy hẹn. Một số trường hợp nhổ răng sữa, đã lung lay hoặc ca đơn giản, y sĩ Dương có gọi điện, chụp hình gửi qua điện thoại. Do thấy tay nghề y sĩ này đã cứng nên tôi có giao thực hiện từ xa”, bác sĩ Lê phân trần.
Chủ phòng khám Nha khoa Việt thừa nhận việc để nhân viên chưa đủ trình độ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề khám, khám, điều trị răng cho khách hàng là sai quy định. Bác sĩ Lê nói khoảng 2 tuần qua do công việc gia đình nên ông không đến phòng khám, mọi việc tại cơ sở nha khoa do các nhân viên thực hiện.
Theo chủ phòng khám, mỗi tháng cơ sở thực hiện đón tiếp và điều trị cho 15-20 khách hàng. Việc phòng khám không treo bảng giá dịch vụ và giấy hẹn ghi tên "bác sĩ" Dương là thiếu sót, chủ cơ sở đã yêu cầu nhân viên in ra để khách hàng nắm.
“Vì lý do khách quan nên có lúc mình không ở đây, nhân viên tự ý làm quá so với quy định. Việc làm này là không đúng, sơ suất trong hoạt động, tôi sẽ chấn chỉnh...”, bác sĩ Lê phân trần.
Trụ sở phòng khám Nha khoa Việt.
Sau vụ việc, y sĩ Trần Văn Dương – người nhận là bác sĩ tại phòng khám Nha khoa Việt đã thừa nhận bản thân chỉ có bằng trung cấp y sĩ và chưa có chứng chỉ hành nghề song đã khám, điều trị và nhổ răng cho nhiều khách hàng tới cơ sở.
“Tôi từng học việc nhiều năm tại một phòng khám nha khoa, với các ca khó thường sẽ có bác sĩ Lê làm, còn lại tôi trực tiếp làm cho khách. Mỗi tháng có khoảng 5-6 trường hợp được tôi nhổ răng, điều trị… Việc nhận là bác sĩ để khám cho khách là sai quy định”, y sĩ Dương cho hay.
Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Y tế huyện Đức Thọ cho biết, việc y sĩ nhận là bác sĩ đứng ra khám, tư vấn, điều trị cho khách hàng thì không được phép.
"Nếu y sĩ nhận là bác sĩ làm những việc vượt chuyên môn là sai, chẳng khác gì lừa dối người bệnh. Phòng sẽ báo cáo lãnh đạo huyện lập đoàn kiểm tra , xử lý”, bà Hòa nói.