Từ khỏe mạnh nhanh chóng hôn mê
Bà H cho biết, mình là người trực tiếp chăm sóc cho N.H.N (bệnh nhân số 17) khi có triệu chứng sốt cao phải đi khám. Đến ngày 6/3, N có được có kết quả xác định dương tính với SARS-CoV-2, bà thuộc diện F1 được đưa sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay sau đó.
Khi vào viện, bà có sốt, mệt mỏi nhưng sau đó sức khỏe bà rất bình thường, ăn ngủ tốt. Bà H vẫn trò chuyện với người thân qua điện thoại. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần vào viện, bà H kể mình không nhớ gì vì đã rơi vào hôn mê. Khi tỉnh lại, xung quanh người chỉ còn dây rợ, máy móc. Lúc đó, điều dưỡng trò chuyện bà mới biết mình đã trải qua thời gian hôn mê.
Cơ thể bà như người đi mượn cảm giác không nhấc nổi chân tay, toàn thân rệu rã. Bà H thấy mất đi 70% sức khỏe.
Chia sẻ cảm xúc của mình, bà H cho biết, bà rất biết ơn các bác sĩ Việt Nam đã cứu bà khoẻ lại.
Bà cảm thấy vẫn rất mệt nhưng cơ thể đang phục hồi. Bà đang cố gắng tập đi từng bước sau khi bước qua cửa tử. Hằng ngày, bà ăn mỗi bữa được 1 chén cơm. Cơm và thức ăn do hai con trai bà tự nấu nướng bên ngoài và mang vào viện. Bà H khoe có 3 cháu nội và hiện tại chỉ mong được ra viện trở về nhà với chúng.
Khi nói về căn bệnh mình mắc phải, bà H cho biết, đây chỉ là tai nạn và đang cố lấy lại sức khỏe nhanh nhất.
Bệnh nhân số 19 đã hồi tỉnh sau 2 tháng điều trị tại khoa Hồi sức tích cực
BS Mạc Duy Hưng – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, quá trình điều trị của bệnh nhân kéo dài, lúc nào cũng có nguy cơ đe dọa tính mạng. Bệnh nhân khiến bác sĩ "thót tim" bởi thời điểm bệnh nhân đang hồi phục tốt thì đột ngột xuất hiện rối loạn nhịp tim và ngừng tuần hoàn. Ai cũng nghĩ điềm xấu nhất có thể xảy ra.
Bác sĩ Hưng đã trực tiếp tham gia ép tim, cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân hơn 40 phút. Trường hợp của bệnh nhân số 19 đã ngừng tuần hoàn tương đối dài nhưng cuối cùng đã hồi phục là điều rất may mắn.
Bệnh nhân tạm thời đã cải thiện, không còn nguy hiểm tính mạng nhưng vẫn cần tập luyện phục hồi chức năng để rút ngắn thời gian điều trị càng sớm, càng tốt. Dù như thế, bệnh nhân vẫn còn các di chứng của bệnh Covid-19 nên chưa dám khẳng định điều gì. Hiện, các bác sĩ vẫn hỗ trợ điều trị và theo dõi cho bệnh nhân.
BS Hưng cho biết, khoa hồi sức tích cực là khoa điều trị cho bệnh nhân nặng luôn đe dọa tính mạng người bệnh, thậm chí có bệnh nhân nặng hơn cả bệnh nhân số 19.
Bí quyết thành công
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh Covid-19 còn rất mới. BN19 là ca bệnh nặng đầu tiên và các bác sĩ xử lý còn chậm. Nhưng sau này, các y bác sĩ đã có kinh nghiệm điều trị tốt hơn. Đặc điểm của bệnh nhân Covid-19 là đã có diễn biến nặng thì tiến triển xấu đi rất nhanh. Diễn biến nặng thường diễn ra từ ngày thứ 8 đến 10 sau khi biểu hiện của bệnh.
Ví dụ, bệnh nhân số 19, tuần đầu vào viện bệnh nhân này hoàn toàn bình thường, ăn ngủ tốt. Đến chiều ngày 15/3, bệnh nhân đột nhiên bị khó thở.
BS Cấp chia sẻ về ca bệnh 19.
Lúc đó 17h chiều các bác sĩ đã nhanh chóng hỗ trợ người bệnh thở. Tình trạng nặng của bệnh nhân tiến triển quá nhanh nên đã phải đặt nội khí quản. Sau đó bệnh nhân vẫn tiếp tiến triển xấu nên bác sĩ chỉ định chạy tim phổi nhân tạo. Bệnh nhân nhanh chóng đưa lên khoa Hồi sức tích cực để can thiệp ECMO.
Khi cai được ECMO sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt. Diễn tiến của bệnh nhân đang tốt lên thì đột nhiên lại xuất hiện 3 lần ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ lúc đó nghĩ bệnh nhân khó qua khỏi vì tình trạng rất nặng. Tuy nhiên, sau 2 tháng từ lúc hôn mê, bà H đã bình phục dần dần.
Bác sĩ Cấp cho biết, thành công của việc điều trị các ca bệnh nặng của bệnh nhân Covid-19 Việt Nam không có phác đồ riêng mà áp dụng giống với các guideline điều trị trên thế giới.
"Phác đồ điều trị như nguyên liệu nấu ăn và món ăn ngon hay không ngon là do tài năng của mỗi đầu bếp" – bác sĩ Cấp chia sẻ.
Theo bác sĩ Cấp đến thời điểm hiện tại, thành công trong chống dịch Covid-19 ở Việt Nam là do chúng ta dự phòng tốt. Khi dự phòng tốt, số ca mắc không nhiều thì các bệnh viện vẫn kiểm soát được tình hình.