Những cục thịt "thừa" hay nốt ruồi chính là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư da (Ảnh: BSCC)
Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương, cho biết BV hiện đang điều trị cho nhiều ca bệnh ung thư da.
Trong số này có bệnh nhân N.C.D. (48 tuổi, ở Nghệ An) được bác sĩ chẩn đoán ung thư da thể u sắc tố. Ban đầu, ông D. chỉ thấy xuất hiện một mảng màu da nâu xám, bờ không đều trên tay, kích thước nhỏ và phẳng. Tuy nhiên, bệnh nhân D. chỉ đến bệnh viện khám khi mảng màu đó lan rộng ra xung quanh, tổn thương dày lên, xuất hiện các nốt, cục, loét và chảy máu.
Trường hợp khác là nữ bệnh nhân N.T.H. (55 tuổi), nhập viện cách đây 1 tuần với chuẩn đoán ung thư biểu mô tế bào đáy. Ban đầu, tổn thương trên mặt bệnh nhân chỉ bằng hạt đậu, sau đó lớn dần, có một chỗ lõm ở giữa. Sau một thời gian, ở vùng tổn thương tạo thành hình vòng. Bệnh nhân H. nhập viện khi đã xuất hiện tình trạng loét, hoại tử, phá hủy tổ chức tại chỗ.
Bác sĩ Kiêm cho biết trung bình mỗi năm có khoảng 300 ca ung thư da điều trị tại BV. Thống kê cho thấy có sự gia tăng số lượng bệnh nhân mắc bệnh này, mỗi năm tăng khoảng 15%. Phần lớn bệnh nhân ung thư da nhập viện khi đã đã có nhiều biến chứng nặng nề như hoại tử ngón chân, ngón tay, buộc phải tháo khớp.
Có những bệnh nhân ban đầu chỉ là một nốt ruồi nhỏ hay cục thịt trên mặt nhưng chủ quan nghĩ là bình thường, đến khi nhập viện khối u di căn bệnh nhân phải khoét bỏ cả một mắt và cả vùng mũi.
Theo bác sĩ Kiêm, bệnh ung thư da chưa được quan tâm và rất nhiều người chủ quan với căn bệnh này. Phần lớn lầm tưởng đó chỉ là nốt ruồi hoặc mảng da, bớt bình thường trên cơ thể. Do chủ quan nên nhiều người không đi thăm khám tại cơ sở y tế mà tự ý chữa trị, đắp các loại thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc, gây viêm nhiễm nặng.
Ung thư da gây tổn thương khiến bệnh nhân phải tháo bỏ chi (ảnh: BSCC)
Cũng theo bác sĩ Kiêm, tia cực tím là nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư da. Vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời là dễ bị ung thư nhất (như da mặt). Ngoài ra, những người thường xuyên tắm trắng có nguy cơ bị ung thư da cao hơn người bình thường bởi khi tắm trắng tức là cơ thể phải lột lớp tế bào sừng để lớp da căng mịn hơn.
Khi cơ thể mất đi lớp sừng thì khả năng chống chọi với tia cực tím của ánh sáng mặt trời cũng kém hơn. "Do đó, trong lĩnh vực y khoa, các bác sĩ không khuyến khích việc tắm trắng hay nhuộm da. Thậm chí việc sử dụng các viên uống trắng da cũng là nguyên nhân làm giảm sức chống đỡ của da đối với tia cực tím"- bác sĩ Kiêm nhấn mạnh.
Để hạn chế nguy cơ ung thư da, nhất là thời điểm mùa hè đang đến gần, mọi người cần bảo hộ cho da như mặc quần áo dài tay, bôi kem chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính chống nắng. Hạn chế ra ngoài đường khi trời nắng gắt…
Những người làm việc ngoài trời có tỉ lệ mắc ung thư da rất cao. Do đó, khi thấy trên da có nổi u, cục nhìn như nốt ruồi hoặc xuất hiện các mảng màu da bất thường, có dấu hiệu lan rộng, phát triển theo thời gian (dù là tiến triển chậm), sờ thấy rát, cứng thì cần nghĩ đến bệnh ung thư.
"Cũng giống như các bệnh ung thư khác, bệnh có thể di căn vào bất cứ tổ chức nào trong cơ thể như não, gan, thận... Nhất là với bệnh ung thư da thể tế bào gai, u sắc tố thì dễ di căn qua đường bạch mạch, qua máu, phá hủy các tế bào của cơ thể người bệnh, khả năng tử vong cao"- bác sĩ Kiêm lưu ý.