“Nhân viên y tế là một trong những nhóm nghề nghiệp có nguy cơ cao đối với sức khỏe. Tính chất công việc của ngành y tế khiến việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý và vận động thể lực gặp nhiều khó khăn.
Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế mang các bệnh mạn tính không lây”.
Bác sĩ (BS) Phạm Ngọc Oanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng thuộc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, đưa ra nhận định trên tại Hội nghị dinh dưỡng TP.HCM mở rộng lần thứ bảy được tổ chức mới đây.
Bác sĩ khám bệnh tiểu đường cũng bị… tiểu đường
“Đừng nghĩ BS không bao giờ mang bệnh.
Như tôi đây, hằng ngày khám cho gần 100 bệnh nhân tiểu đường nhưng bản thân tôi cũng bị… tiểu đường” - nam BS TMT (52 tuổi, công tác tại một bệnh viện (BV) đa khoa ở TP.HCM) chia sẻ.
Theo BS T., hầu như suốt tám tiếng trong BV ông luôn ngồi một chỗ để khám bệnh. Họa hoằn mới nhấc chân đi lấy nước uống, rửa tay… “Do có phòng mạch riêng, sau giờ làm việc ở BV tôi tiếp tục ngồi vài tiếng khám bệnh.
Tầm 20-21 giờ tôi nghỉ, lúc này người cũng đã mệt đừ. Về nhà tắm rửa, cơm nước xong ngủ nghỉ để lấy sức cho ngày mai. Bởi ít hoạt động thể lực, không tập thể thao nên bụng tôi tích tụ mỡ càng nhiều. Đây là nguyên nhân khiến tôi bị tiểu đường” - BS T. nói.
Tương tự, nữ kỹ thuật viên xét nghiệm NTTM (48 tuổi, đang công tác tại một BV chuyên khoa ở TP.HCM) cũng không ngạc nhiên khi biết mình bị bệnh tim mạch.
“Do đặc thù công việc nên tôi thường xuyên làm đêm. Mỗi tối hầu như tôi ngồi suốt để phân tích các chỉ tiêu trong máu bệnh nhân. Hết giờ làm việc, tôi tranh thủ ghé chợ mua ít đồ ăn rồi về tới nhà là ngủ.
Đến trưa thức dậy lo cơm nước cho cả nhà. Sau đó ngủ tiếp đến bữa cơm chiều. Do chỉ quanh quẩn ở BV và trong nhà, ít vận động thể lực nên tôi tăng cân thấy rõ. Đây chính là nguyên nhân khiến tôi bị tăng huyết áp và động mạch vành” - bà M. cho biết.
Bác sĩ cũng mắc bệnh mạn tính không lây do thường xuyên ngồi khám bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC
Hơn 50% nhân viên y tế… bất động!
“Hoạt động thể lực, tình trạng dinh dưỡng, chế độ ăn của nhân viên công tác tại một số cơ sở y tế của TP.HCM và các tỉnh phía Nam” là đề tài nghiên cứu của nhóm BS đang công tác tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM .
Đề tài trên được các BS Phạm Ngọc Oanh, Mai Thị Mỹ Thiện, Phạm Nhật Thùy Đan, Văn Thị Giáng Hương và Đỗ Thị Ngọc Diệp nghiên cứu dựa trên 85 BS, điều dưỡng, cử nhân, kỹ sư và thực hiện trong tháng 4-2018.
BS Oanh cho biết theo Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm nâng cao chức năng tuần hoàn, hô hấp, giảm các nguy cơ bệnh mạn tính không lây (tiểu đường, tim mạch… - PV), mỗi người trưởng thành nên hoạt động thể lực ở mức độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần hoặc hoạt động ở mức độ nặng ít nhất 75 phút/tuần.
“Từ đó cho thấy số bước chân đi được mỗi ngày hoặc thời gian dành cho việc tập thể dục trong ngày là vấn đề cần quan tâm để cải thiện tình trạng sức khỏe” - BS Oanh nói.
Theo BS Oanh, việc theo dõi số bước chân trung bình 18 tuần và đặt mục tiêu 10.000 bước chân mỗi ngày được chứng minh là hoạt động can thiệp có hiệu quả giúp giảm chỉ số khối cơ thể và cải thiện các bệnh tiểu đường, tim mạch…
“Tuy nhiên, kết quả số bước chân trung bình của 85 nhân viên y tế trong nhóm nghiên cứu cho thấy nam đi được 6.601 bước chân mỗi ngày và nữ 6.130 bước chân.
Bên cạnh đó, hầu hết nhân viên y tế trong nhóm nghiên cứu đều thiếu hoạt động thể lực với trên 95% có số bước chân trung bình mỗi ngày dưới 10.000.
Chưa hết, gần 50% nhân viên y tế trong nhóm nghiên cứu không tập thể dục bất cứ ngày nào trong tuần. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe của nhân viên y tế đáng báo động” - BS Oanh nói thêm.
Tỉ lệ bác sĩ bị bệnh rất cao
Kết quả khảo sát còn ghi nhận tỉ lệ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì và mỡ cơ thể cao của 85 nhân viên y tế trong nhóm nghiên cứu lần lượt là 8,2%, 43,5% và 29,8%.
Thừa cân, béo phì, tỉ lệ mỡ cơ thể cao, thiếu hoạt động thể lực… là vấn đề sức khỏe cần được quan tâm can thiệp ở nhân viên tại một số cơ sở y tế.
BS PHẠM NGỌC OANH, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng thuộc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM