Cách đây 2 năm, TS.BS Vũ Bá Quyết - Giám đốc BV Phụ sản Trung ương bị người bệnh "tố" từ chối không mổ với lý do bệnh nhân là phóng viên. Thời điểm đó, TS.BS Quyết lý giải: "Đã là bác sĩ không ai có quyền từ chối mổ cấp cứu.
Tôi từ chối là vì bệnh nhân đến khám dịch vụ và xin mổ tự nguyện yêu cầu. Ai yêu cầu tôi cũng mổ thì làm sao tôi có đủ sức, thời gian để quản lý nữa. Đấy là chưa nói đến độ an toàn".
Việc từ chối điều trị cho bệnh nhân trong ngành y tại Việt Nam còn khá hiếm. Tuy nhiên, cũng có bác sĩ thừa nhận đã phải từ chối bệnh nhân.
Một lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng: Xét về nguyên tắc, bác sĩ có quyền từ chối khám chữa bệnh trong một số trường hợp. Thứ nhất, nếu bác sĩ quá tải, phải làm nhiều, sức khỏe không tốt, họ có quyền từ chối khám chữa cho bệnh nhân nếu không phải trường hợp cấp cứu.
Tâm trạng không thoải mái, đầu óc nặng nề có thể khiến bác sĩ không thể xử lý hết những diễn biến xấu khi điều trị. Như thế, người thiệt nhất là bệnh nhân chứ không phải là bác sĩ.
Thứ hai, nếu cơ sở không đủ điều kiện về trang thiết bị đáp ứng nhu cầu bệnh nhân, bác sĩ cũng có thể từ chối khám chữa.
Tuy nhiên, nếu trường hợp đó cấp cứu hoặc bệnh nặng, bác sĩ cần phải tiến hành sơ, cấp cứu cho người bệnh rồi mới chuyển tới cơ sở khám chữa bệnh phù hợp nhất.
BSCKII Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh: "Cán bộ y tế bị đánh đập, hành hung đã diễn ra từ nhiều năm nay, mặc dù đã có những quy định xử phạt song vẫn chưa hiệu quả.
Đã đến lúc chúng ta cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt thực trạng đau lòng này".
Tuy nhiên, BSCKII Trần Thị Bích Hằng cho rằng, việc bác sĩ từ chối bệnh nhân phải xem xét cụ thể. Bởi bác sĩ có nhiệm vụ điều trị cho người bệnh.
TS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai, Hà Nội) từng chia sẻ: Bác sĩ từng từ chối rất nhiều bệnh nhân khi họ gây khó dễ cho bác sĩ, có thái độ không tôn trọng bác sĩ…
Theo y đức, bác sĩ được phép từ chối bệnh nhân trong trường hợp không phải cấp cứu, không nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.
TS.BS Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cũng cho rằng: Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đánh, chửi bác sĩ là điều rất sai trái.
Khi nhân viên y tế bị đánh, chửi thì không thể khám chữa bệnh tốt được, hệ số an toàn của khám chữa bệnh sẽ bị giảm sút. Bác sĩ vừa khám bệnh, vừa phải đề phòng bị đánh sẽ không thể tập trung trong điều trị. Đó có thể là lý do xảy ra tai biến y khoa.