Mệt mỏi vì mất ngủ
Tìm tới bác sĩ cầu cứu, anh Nguyễn Khắc T. 38 tuổi, Hà Nội tâm sự khoảng 2 năm nay anh T. cực kỳ khổ sở trong giấc ngủ của mình.
Mỗi tối khoảng 10h hai mắt anh díp lại. Anh T. lên giường đi ngủ nhưng chỉ đến 12h sáng là anh thức giấc, trằn trọc nhìn trần nhà. Đêm nào anh cũng lăn qua lăn lại tới 4,5 h sáng mới ngủ lại nhưng sau đó cảm giác mê man như 'bóng đè'. Vợ anh còn đi xem bói, nhờ cúng để giải tỏa tâm lý. Nhưng giấc ngủ vẫn chưa đến, mỗi sáng anh T. đều đi làm với dáng vẻ mệt mỏi.
[Đọc thêm: Những người ngủ kiểu này có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn]
Thạc sĩ – Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khoảng 30% người trưởng thành bị mất ngủ và không thể làm tốt công việc hôm sau. Thời lượng ngủ không nói lên tình trạng mất ngủ, mà quan trọng là cảm giác thế nào vào hôm sau. Nếu lúc tỉnh dậy mà cơ thể vẫn choáng váng và gà gật thì chắc chắn bạn thiếu ngủ.
Thời gian ngủ khác nhau ở mỗi độ tuổi. Ví dụ trẻ sơ sinh ngủ từ 16 – 18 tiếng ngủ để phát triển trí não, thể chất. Trẻ dưới 16 tuổi ngủ khoảng 8 – 10 tiếng/ngày. Ở người trưởng thành 18 – 60 tuổi trung bình 8 tiếng/ngày. Trên 80 tuổi thì ngủ khoảng 6 -8 tiếng.
Ở người lớn tuổi thường ngủ lơ mơ hơn, tính chất giấc ngủ không sâu, ngủ nông rất dễ thức dậy. Khi ngủ sâu thì sự hồi phục thể chất tốt hơn nhưng người lớn ít ngủ sâu được hơn nên họ cảm thấy ít hồi phục thể chất.
Bác sĩ chia sẻ cách xử lý nỗi khổ mỗi đêm nằm “đếm cừu”. Ảnh minh họa
Cách trị mất ngủ
Người bình thường được khuyến cáo ngủ 8 – 10 tiếng/ngày, chiếm 1/3 thời gian của một ngày. Nếu không ngủ ngon tế bào thần kinh không được tái tạo lại sẽ tạo ra nhiều bệnh từ hệ thần kinh, tuần hoàn, tiêu hoá, chuyển hoá thấp nhất. Nếu trường hợp các cơ quan không được nghỉ ngơi thì con người sẽ giảm tuổi thọ, suy nhược sức khoẻ.
BS Hạnh cho biết có 3 loại mất ngủ. Thứ nhất khó đi vào giấc ngủ, lăn qua lăn lại, trằn trọc băn khoăn mà mọi người hay gọi “đếm cừu”. Thứ hai, dễ ngủ đầu giấc nhưng khó ngủ sâu giấc. Thứ ba, khó quay lại giấc ngủ.
Theo BS Hạnh các nguyên nhân mất ngủ hiện nay ở người trẻ chủ yếu do stress. Một số người có yếu tố công việc làm rối loạn lịch thức ngủ trong ngày, như lịch làm việc thay đổi bất thường, làm việc theo ca không thường xuyên (53% công nhân ca đêm ngủ gật ít nhất 1 lần trong tuần), do thay đổi múi giờ chênh lệch như khi đi du lịch đến các vùng có mức chênh lệch múi giờ từ 6-24 giờ.
Cũng có thể do sử dụng các chất kích thích não: cà phê, trà, thuốc lá, rượu, các loại thuốc có tính kích thích. Do ăn nhiều nặng bụng trong đêm, ăn nhiều chất kích thích...; những thói quen của người ngủ cùng: thí dụ như ngáy, yếu tố môi trường, ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, thoáng khí... cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Trường hợp của anh T. bác sĩ Hạnh cho rằng, anh T. thường xuyên bị bóng đè nhưng thực chất không phải là do âm khí như anh nghĩ. Khi bị bóng đè đó là do cơ thể thiếu oxy, người ngủ cảm thấy có người đè, giấc ngủ rất nông nhưng khó đi vào giấc ngủ do tưới máu não kém.
Với những người mất ngủ có thể kiểm tra đa ký giấc ngủ. Người bệnh ngủ lại bệnh viện 1 đêm và bác sĩ xác định nguyên nhân gây mất ngủ để có cách chữa trị hiệu quả.
Tuy nhiên, để duy trì giấc ngủ những người mất ngủ có thể uống thêm các thảo dược có tác dụng tăng tuần hoàn máu não như tâm sen.
Ngoài ra, các phương pháp như đi bộ nhẹ trước khi đi ngủ, ngâm chân nước nóng nhẹ, uống ly sữa không đường… cũng có tác dụng chút ít nhưng bác sĩ Hạnh cho rằng các phương pháp này cũng có hiệu quả với 1 số người nhưng tuỳ cơ địa có hợp với mình không.
Hạn chế tối đa những thực phẩm có chất cafe, nicotine vào buổi tối. Dùng quá nhiều cafe sẽ bị mất ngủ, tuy nhiên liều lượng tùy thuộc vào thể chất, thói quen của mỗi người. Người hút thuốc lá thường chỉ ngủ chập chờn và sẽ bị thức giấc vì một tiếng động nhỏ, đôi khi không thể ngủ lại được.
Uống một ly rượu cocktail trước khi đi ngủ là một trong những phương cách cổ điển giúp dễ ngủ. Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi uống vừa phải, vì nếu say xỉn sẽ làm hôn mê bất tỉnh, giấc ngủ trở nên tồi tệ hơn.