Bệnh nhi tới khám tại khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Ghi nhận nhiều biến chứng do sốt xuất huyết
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần từ ngày 15 đến 22/12, Hà Nội ghi nhận 671 trường hợp sốt xuất huyết tại 28 quận, huyện, thị xã.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà, dù thời tiết đã lạnh sâu nhưng hiện vẫn ghi nhận bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tới khám.
BSCKI.Trần Thị Hoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà, cho hay năm nay, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị tăng. Khoa cũng đã ghi nhận nhiều bệnh nhân có biến chứng nguy hiểm. Có những trường hợp mắc hai lần sốt xuất huyết, tới viện xét nghiệm mới phát hiện ra. Do vậy, thời tiết lạnh, muỗi sinh sôi giảm nhưng nguy cơ bệnh sốt xuất huyết vẫn tồn tại. Phụ huynh không được chủ quan.
Cũng theo vị chuyên gia, sốt xuất huyết gặp nhiều ở lứa tuổi học sinh, điển hình là trường hợp bệnh nhân Lê Anh (tên nhân vật đã được thay đổi) là học sinh lớp 9. Ở nhà, Lê Anh có sốt nhẹ nên uống thuốc hạ sốt và đi học như bình thường. Chiều đi học về, Lê Anh kêu đau bụng nhiều đã được bố mẹ đưa đi khám. Kết quả khám cho thấy Lê Anh có tràn dịch đa màng, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo.
Hay như trường hợp bệnh nhân Nam (tên nhân vật đã thay đổi), 15 tuổi, sốt nhưng vẫn đi học. Khi Nam ngất xỉu tại trường, em được nhà trường đưa vào viện cấp cứu, xét nghiệm men gan tăng cao, chỉ số cô đặc máu tăng.
Rất may, các trường hợp bệnh nhân trên đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà cấp cứu kịp thời, sức khỏe dần hồi phục. Các bệnh nhân qua cơn nguy kịch và không để lại biến chứng.
Ngoài các bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh, khoa Nhi của bệnh viện cũng ghi nhận một số trường hợp 22-23 tháng tuổi mắc sốt xuất huyết.
Theo bác sĩ Hoa, trong đợt sốt xuất huyết vừa qua, có những bệnh nhân lạm dụng truyền dịch tại nhà dẫn đến biến chứng như phù, đau bụng dữ dội. Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà đã đưa ra những khuyến cáo và giải quyết được dứt điểm vấn đề cho bệnh nhân.
Một số bệnh nhân sốt xuất huyết năm nay có rối loạn tiêu hoá, đau bụng đi ngoài. Tuy nhiên, gia đình chỉ nghĩ con rối loạn tiêu hóa thông thường nên mua men tiêu hoá. Khi bệnh nhi đau bụng nhiều, đưa vào viện xét nghiệm mới phát hiện sốt xuất huyết.
Phân biệt sốt xuất huyết và sốt virus
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Sốt xuất huyết và sốt virus thông thường rất dễ bị nhầm lẫn. Do vậy, khi trẻ sốt cao cần đi khám, làm xét nghiệm để xác định rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, trẻ bị sốt xuất huyết thường không đáp ứng thuốc hạ sốt, mệt, ăn uống kém. Trẻ sốt virus đáp ứng thuốc hạ sốt, trẻ cắt sốt sẽ chơi và ăn uống bình thường.
Bác sĩ Hoa khuyến cáo sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện và điều trị có thể gặp biến chứng như: tràn dịch đa màng, suy đa tạng, cô đặc máu, chảy máu tiêu hoá…
Lưu ý khi điều trị và phòng ngừa sốt xuất huyết
Khi trẻ bị sốt xuất huyết, phụ huynh cần lưu ý:
- Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu.
- Tránh thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
- Tuyệt đối không dùng ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt.
- Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh.
- Tuyệt đối không tự ý đưa trẻ đi truyền dịch.
Để phòng sốt xuất huyết, bác sĩ Hoa lưu ý:
- Ngủ màn kể cả ban ngày.
- Không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, ẩm ướt.
- Cho trẻ mặc quần áo dài tay, dùng kem, dầu chống muỗi.
- Diệt loăng quăng bọ gậy.
- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo nhiều quần áo, tránh làm chỗ cho muỗi ẩn nấp.
Bộ Y tế đã đưa ra các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue, nếu thấy cần phải đưa đi tới bệnh viện:
- Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục nhiều vùng gan.
- Trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/1 giờ, hoặc trên 4 lần/1 giờ.
- Xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm nhanh.
- Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ).
- Tiểu ít, đi ngoài phân đen.