Bác sĩ Nguyễn Viết Nam (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay, gần đây, Khoa cấp cứu tiếp nhận khá nhiều các trường hợp sử dụng thuốc nam quảng cáo "nhà tôi 3 đời" để điều trị các bệnh viêm gan, đái tháo đường, viêm xương khớp….
Theo TS.BS Võ Xuân Sơn (Phòng khám y khoa EXSON TP.HCM), mấy hôm ở cùng các cháu, ông hay mở các video clip thiếu nhi trên youtube cho các cháu xem và có một điều khiến bác sĩ Sơn giật mình.
“Ôi giời, cơ man nào là quảng cáo chữa bệnh bằng thuốc 'gia truyền ba đời..'. Hết bà lang đến ông thầy, hết trĩ đến yếu sinh lí, rồi cột sống, xương khớp...”, TS Võ Xuân Sơn thốt lên.
Là một bác sĩ, ông cho rằng người Việt thích tin vào các cách chữa bệnh có tính kì bí, đồng thời tin vào các quảng cáo về các cách chữa bệnh thật nhanh, ít mất công, mà đạt được hiệu quả tức thì. Nắm bắt được điều ấy, "thần y" đã chinh phục niềm tin của nhiều người bằng cách marketing theo tâm lí khách hàng.
Để tạo lòng tin với khách hàng, các loại thuốc này thường được gắn mác gia truyền kiểu "nhà tôi 3 đời" và cam kết hiệu quả 100%.
Những quảng cáo "nhà tôi ba đời" tràn lan trên mạng. |
BS Hoàng Sầm (Viện Y học Bản địa Việt Nam) chia sẻ, việc quảng cáo tràn lan trên mạng với các thông tin mỹ miều như "đông y ba đời", "nhà tôi gia truyền ba đời" đều đánh vào tâm lý của người dân, kiểu "có bệnh thì vái tứ phương".
BS Sầm cho rằng, việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm, thậm chí gây ung thư. Không ít quảng cáo thuốc được thầy lang "nhà tôi ba đời trị sỏi thận" bán, nếu uống vào lại có thể dẫn tới suy thận vì có 1 số vị chất như tế tân, dây thần sấm… có tác dụng chữa bệnh thận, nhưng dùng không đúng chỉ định gây suy thận và ung thư thận.
Cũng theo BS Sầm, quảng cáo lừa đảo bán hàng như các loại vật dụng xe đạp, cái nồi, cái máy nào đó thì còn có thể tạm chấp nhận được, chứ liên quan tới sức khỏe con người thì là điều không thể.
Với những câu quảng cáo "nhà tôi 3 đời chữa xương khớp chỉ cần 1 liều thuốc là khỏi", các bác sĩ đều cho rằng, thực tế hoàn toàn không đúng, vì khớp có hàng trăm bệnh khớp khác nhau nên không thể chỉ 1 vị thuốc mà đã khỏi được.
Những loại quảng cáo này thậm chí còn gắn ảnh các chuyên gia trong ngành y học cổ truyền vào để tăng tính xác thực.
BS Sầm cho biết thêm, hiện tại chỉ cần tra các số điện thoại xem đăng ký ở đâu là biết rõ nguồn gốc. Trước đây ông cũng thấy người ta quảng cáo thuốc mọc tóc gia truyền Bà Hòe ở Hoàng Su Phì (Hà Giang). Khi đến tận nơi thì không có bà Hòe nào, bởi đó là lừa đảo.
Lợi dụng vào tâm lý của nhiều người đang cần chữa bệnh, các đối tượng này nghĩ ra nhiều chiêu trò khác nhau để quảng cáo, bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, không ai chứng nhận tác dụng.
"Họ thuê người dân tộc quảng cáo hoặc ăn mặc, giả giọng người dân tộc. Nếu người có kinh nghiệm chỉ cần nghe nói là biết lừa đảo.
Ví dụ như “Ung thư thì không chữa khỏi nhưng sỏi gan, sỏi mật to cỡ mấy cũng khỏi” - đây là lừa đảo vì tính chất sỏi gan và sỏi mật khác nhau hoàn toàn, các bệnh này không thể chữa là khỏi.
Qua nghiên cứu của viện Y học Bản địa Việt Nam chỉ có vài nhóm dược liệu có dầu mới có thể có tác dụng tan sỏi dạng sỏi tan trong dầu. Còn lại đều không đúng", bác sĩ Sầm cho hay.
Vị bác sĩ này đưa ra khuyến cáo: "Đừng tin những gì quảng cáo, nhất là trên mạng về thuốc! Các quốc gia tiên tiến đã cấm quảng cáo thuốc trên phương tiện truyền thông dân dụng, chỉ được quảng cáo ở tạp chí và hội thảo chuyên ngành y.
Còn tại Việt Nam, pháp luật quy định quảng cáo thuốc cũng rất chặt chẽ nên không có chuyện "nhà tôi ba đời", "nhà tôi có thuốc gia truyền đặc trị". Nếu là thuốc hay bí quyết chữa bệnh gia truyền thì cần có giấy chứng nhận của Sở Y tế.
Nếu tin những thông tin trên mạng internet về bệnh tật rồi tự suy diễn, tự làm bác sĩ... thì người bệnh gặp nguy hiểm".