Cà phê được biết đến là mang lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe như ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2, ung thư, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và thúc đẩy quá trình giảm cân. Tuy nhiên, loại đồ uống này cũng có thể đi kèm với một số rủi ro nếu bạn uống vào 2 khung giờ sau.
Không uống cà phê sau 12 giờ trưa
Tiến sĩ, Bác sĩ cấp cứu Poonam Desai (New York, Mỹ) nhận định mọi người không nên uống cà phê hoặc tiêu thụ caffeine sau 12 giờ trưa.
“Caffeine có thời gian bán hủy từ 5 đến 6 giờ và vẫn có thể tồn tại trong cơ thể bạn cho đến gần giờ đi ngủ, khiến chúng ta không thể chìm vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ. Vì vậy, tôi luôn cố gắng tránh mọi đồ uống có chứa caffeine vào buổi chiều”, Tiến sĩ Desai cho biết.
Tác dụng kích thích của caffeine có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và khiến bạn khó ngủ hơn. Thiếu ngủ có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như bệnh tim, bệnh thận, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, béo phì và trầm cảm. Theo Dịch vụ y tế quốc gia Anh NHS, khoảng 1/3 người trưởng thành ở Anh sẽ khó ngủ ít nhất một lần trong đời.
Lời khuyên của Bác sĩ Desai được chứng minh bởi nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine vào năm 2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng khi uống một tách cà phê espresso trước giờ đi ngủ khoảng 3 tiếng sẽ khiến cơ thể ta tỉnh táo thêm 1 tiếng so với giờ bình thường đi ngủ, đảo lộn nhịp sinh hoạt.
Không nên uống cà phê ngay sau khi ngủ dậy
Bác sĩ Michael Mosley, chuyên gia về chế độ ăn kiêng Anh đã đưa ra lời khuyên rằng bạn không nên uống cà phê ngay sau khi thức dậy. Ông nhấn mạnh, cà phê mang lại nhiều lợi ích nhưng bạn cần biết khi nào không nên tiêu thụ nó.
“Uống cà phê khi bụng đói sẽ kích hoạt giải phóng các hormone gây căng thẳng như adrenaline và cortisol. Vậy nên thay vì uống cà phê ngay khi dậy, hãy cố gắng nhịn cho đến sau bữa sáng”, Bác sĩ Mosley chia sẻ.
Tiến sĩ Michael Mosley
“Mặc dù cortisol rất cần thiết để giúp chúng ta tỉnh táo vào buổi sáng, nhưng hấp thụ quá nhiều chất này ngay từ khi mới thức dậy có thể dẫn đến tình trạng cơ thể bị kích thích quá mức và sinh ra phản ứng căng thẳng không mong muốn. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đối với đường ruột, hormone, tuyến thượng thận và khiến tâm trạng chúng ta xấu đi”, ông nói thêm.
Bác sĩ Mosley khẳng định để bụng đói uống cà phê sẽ có thể kích thích cortisol, làm tăng lượng đường trong máu. “Lượng đường trong máu tăng cao đột biết có thể khiến chúng ta rơi vào tình trạng thiếu hụt đường huyết suốt thời gian còn lại trong ngày, gây mệt mỏi, kiệt sức”, chuyên gia dinh dưỡng Gabi làm việc với Tiến sĩ Mosley cho biết.
Thời điểm tốt nhất trong ngày để uống cà phê
Theo Tiến sĩ Michael Mosley, bạn nên đợi ít nhất 90 phút sau khi thức dậy để uống ly cà phê đầu tiên. 90-120 phút từ lúc tỉnh giấc cũng là thời điểm thích hợp mà giáo sư tại Trường Y Đại học Stanford (Mỹ) Andrew Huberman khuyên mọi người nên uống cà phê.
Khoảng thời gian vàng được nhiều chuyên gia đánh giá là thời điểm thích hợp để uống cà phê là từ 9h30 đến 11h30 sáng, khi nồng độ cortisol bắt đầu giảm. Khi đó bạn sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ tác dụng kích thích thần kinh của cà phê.
Dù được chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng loại cà phê phổ biến mọi người thường uống là cà phê hòa tan hoặc những loại cà phê chứa nhiều đường, kem, bột sữa... có hàm lượng calo cao, gây tăng cân, béo phì, thậm chí là tiểu đường. Vậy nên các bác sĩ luôn khuyên mọi người nên uống cà phê nguyên chất và hạn chế đường, sữa nhất có thể.
Theo Express