Sau 3 ngày liên tiếp ô nhiễm ở mức đáng báo động , sáng 18/9 chất lượng không khí ở Hà Nội đang có dấu hiệu cải thiện. Tác động của gió mùa Đông Bắc, gió Bắc kèm theo mưa nên tầng không khí sát mặt đất bắt đầu xáo trộn, làm khuếch tán chất ô nhiễm.
Theo ông Lê Thanh Hải, Tổng Thư ký Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, những ngày qua, Hà Nội xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ mang tính chu kỳ vào thời gian chuyển giao giữa các mùa, đặc biệt là mùa hè tới mùa đông.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết, theo quy luật đầu mùa đông sẽ xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt, có tháng xảy ra hiện tượng 5 đến 7 lần, có tháng lên đến hàng chục lần.
Khi hiện tượng này xảy ra, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao, các chất ô nhiễm bị giữ lại ở tầng thấp khiến cho không khí ô nhiễm nặng nề. Những ngày vừa qua, hiện tượng nghịch nhiệt lại xảy ra, do đó không khí ở Hà Nội rất ô nhiễm, đặc biệt là bụi.
Chiều 18/9, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương đã có cuộc trao đổi ngắn với chúng tôi, cảnh báo tình trạng bệnh lý liên quan đến ô nhiễm không khí.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhiều ngày qua nguyên nhân chính là do hiện tượng nghịch nhiệt thời kì giao mùa.
1 tuần qua, Bệnh viện Phổi trung ương tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân phổi mãn tính.
Thưa bác sĩ, hiện nay Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường không khí rất nghiêm trọng. Hiện tượng này ảnh hưởng như nào tới sức khỏe con người?
Trước hết, chúng ta nên hiểu, bản thân bụi là những hạt nhỏ lơ lửng trong không khí và nó sẽ bị các dòng đối lưu hay gió cuốn đi. Bụi có nhiều kích cỡ: lớn, bình thường, siêu nhỏ.
Theo phân loại chuẩn của quốc tế, có các loại bụi căn bản như sau: bụi PM10 (từ 2.5 tới 10 micromet), PM2.5 (dưới 2.5 micromet), PM1.0 (dưới 1 micromet) PM0.1 (nhỏ hơn 0.1 micromet) còn được gọi là bụi nanomet, bụi NANO.
Trong đó, bụi NANO tuy là loại bụi nhỏ nhất nhưng nguy hiểm nhất, có thể thâm nhập rất sâu vào hệ thống cơ thể con người.
Đường hô hấp là đường lưu thông giữa không khí và cơ thể con người. Hạt bụi lớn sẽ bị hàng rào cơ học vật lý chặn lại trước khi xâm nhập vào phế quản, phế nang.
Tuy nhiên những hạt PM10 kích thước nhỏ, có thể gây ra các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi. Nghiêm trọng nhất là hạt bụi PM2.5, thậm chí là bụi NANO sẽ gây độc cho cơ thể.
Như vậy, trong thời gian vừa qua, môi trường Hà Nội rất bụi. Theo chỉ số quan trắc mới nhất tính đến ngày 17/9, tất cả 10 điểm quan trắc đều có chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên 170, báo động đỏ.
Khuyến cáo người già và trẻ em, người mắc bệnh mãn tính không nên ra đường vì rất dễ bị kích ứng, ảnh hưởng tới đường hô hấp.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương.
Trong thời gian qua, Bệnh viện Phổi trung ương đã tiếp nhận bao nhiêu bệnh nhân mãn tính liên quan đến ô nhiễm không khí?
Để khẳng định liệu bệnh nhân nhập viện có phải do ô nhiễm không khí hay không, thì chưa có nghiên cứu nào có thể chắc chắn điều này.
Nhưng trong tuần qua, số lượng bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Phổi trung ương, tuy không tăng đột biến so với tuần trước, nhưng có 1 chỉ số đáng lưu ý: các bệnh nhân nhập viện do phổi mãn tính tương đối đông, có lẽ một phần nào đấy có liên quan tới ô nhiễm không khí.
Hiện nay người dân thường sử dụng loại khẩu trang y tế được bày bán tràn lan, liệu những lớp mỏng như thế có đảm bảo an toàn hay không?
Người dân sử dụng rất nhiều loại khẩu trang khác nhau: khẩu trang y tế, khẩu trang vải... Tuy nhiên, khái niệm "khẩu trang y tế" thực ra đang bị lạm dụng. Trên thực tế, loại khẩu trang này chỉ được sử dụng trong phòng y tế, đi ra đường hoàn toàn không có chức năng cản bụi.
Tùy vào kích thước bụi, các hạt chất gây bụi mà có từng loại khẩu trang thích hợp. Chúng tôi khuyến cáo người dân có thể sử dụng khẩu trang than hoạt tính, có 3 lớp: lớp đầu tiên cản bụi cơ học, lớp thứ 2 chứa than hoạt tính có chức năng trung hòa các hợp chất, lớp vải trong cùng mềm mịn, tạo độ thoải mái. Người dân nên thay khẩu trang liên tục 2 tiếng/lần.
Ngoài ra, khẩu trang N95 hay còn gọi là khẩu trang đặc chủng, có thể ngăn cản bụi PM2.5, thậm chí cả vi khuẩn, virus. Nhưng loại khẩu trang này chỉ nên được sử dụng trong vùng bệnh dịch, nếu dùng trong môi trường sống thường gây khó thở cho người dân.
2 loại khẩu trang N95 có khả năng chống các loại bụi và vi khuẩn, tuy nhiên không thích hợp để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Trước tình trạng môi trường sống của con người bị đe dọa, chúng ta nên làm gì để tự bảo vệ chính mình?
Điều tốt nhất là không nên làm môi trường bị ô nhiễm. Thế nhưng, điều này quá khó với đô thị và những đất nước đang phát triển như chúng ta.
Trước hết, người dân cần biết sử dụng khẩu trang đúng cách, sống trong môi trường có hồ nước và cây xanh để giảm thiểu sự xâm nhập của bụi.
Theo dõi hàng ngày các quan trắc môi trường, nếu có báo động cam (AQI từ 101-200), đỏ (AQI từ 201-300) trở lên thì nên hạn chế ra đường. Trong nhà nên đóng kín cửa, trang bị thêm hệ thống lọc không khí nếu có điều kiện.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng hướng dẫn cách sử dụng khẩu trang đúng cách.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây nên 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu của Việt Nam.
Vấn đề sức khỏe thường gặp là những loại bệnh về đường hô hấp như viêm đường hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, hen, các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Cũng theo WHO, năm 2016, Việt Nam có khoảng 34.232 ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí. Trong đó có 11.189 ca đột quỵ; 3.845 ca viêm đường hô hấp dưới; 2.423 ca ung thư phổi, phế quản, khí quản; 10.741 ca thiếu máu tim cục bộ và 5.034 ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Liên Hợp Quốc từng công bố 10 sự thật về ô nhiễm không khí, về tác động của con người đối với ô nhiễm không khí và mối liên hệ của nó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, cứ mỗi một giờ đồng hồ là lại có 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, hay 13 người mỗi phút, gấp ba lần tổng số người tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm.