Coi muối như "thần dược"
Bà Vũ Thị Hoà trú tại Hà Đông, Hà Nội cho biết hầu như ngày nào bà cũng súc miệng bằng nước muối để sạch miệng và phòng các bệnh về mũi họng.
Bà tự hoà nước muối ra dùng với nồng độ muối cao vì nghĩ càng mặn vi khuẩn càng chết. Tuy nhiên, gần đây bỗng thấy họng sưng đỏ, bà súc miệng như mọi khi, ngậm muối hạt nhưng tình trạng không đỡ, thậm chí còn trầy loét to hơn sinh ra đau họng.
Bà Hoà đi nội soi mũi họng, bác sĩ chẩn đoán viêm loét họng và xét nghiệm sinh thiết vì nghi ngờ vết loét có thể gây ung thư. Sau 1 tuần sinh thiết, rất may kết quả chỉ là viêm bình thường.
Khi bà Hoà kể về thói quen ngậm muối của mình đã khiến bác sĩ vô cùng ngạc nhiên vì đây vốn là thói quen phổ biến nhưng rất nguy hiểm.
Không chỉ riêng bà Hoà mà rất nhiều người đều nghĩ súc miệng bằng nước muối thật mặn, ngậm muối biển hạt to để trị viêm họng là tốt.
Chị Hoàng Thu Huệ trú tại Mỹ Đình, Hà Nội cũng cho biết, mùa đông thời tiết thay đổi nên chị thường ngậm vài hạt muối ở họng để giảm bớt các triệu chứng ho, rát họng.
Không chỉ sử dụng trong việc ngậm, súc miệng hàng ngày mà với gia đình chị Huệ, muối còn được coi như một loại "kháng sinh" sử dụng trong nhiều trường hợp.
Gây nguy hiểm
Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ truyền nhiễm Nguyễn Danh Đức – Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết, hàng ngày anh gặp rất nhiều bệnh nhân bị những bệnh liên quan đến mũi họng nhất là vào dịp thời tiết đổi mùa như hiện nay.
Có không ít bệnh nhân giữ thói quen ngậm muối, súc miệng nước muối tự pha thật mặn vì nghĩ càng mặn càng có tác dụng tốt.
Thạc sĩ Đức cho rằng đây là cách làm thực sự nguy hiểm, bởi vì muối mặn tích tụ làm thừa muối cho cơ thể, từ đó gây ra các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, hạn chế hấp thụ canxi.
Bên cạnh đó, tác hại ngay trước mắt chính là khi muối mặn vào miệng, họng sẽ bị tổn thương, trợt loét các tế bào niêm mạc họng, gây viêm họng, gặp vi khuẩn sẽ dễ dàng sinh ra nhiễm khuẩn.
Pha nước muối như thế nào cho đúng để súc miệng hiệu quả không phải ai cũng biết
Thạc sĩ Đức cho biết, thời tiết thay đổi là môi trường thuận lợi để vi khuẩn tấn công đường hô hấp. Nhiều người có cảm giác ngứa họng hay khậm khạc, đằng hắng, khám tại chỗ thấy thành bên họng hơi đỏ, rát.
Việc rửa mũi, súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý giúp ngăn ngừa vi khuẩn tấn công đã được nhiều chuyên gia khuyên dùng và được nhiều người áp dụng.
Tuy nhiên, việc dùng nước muối thế nào cho đúng không phải ai cũng biết.
Theo thạc sĩ Đức khi súc miệng ta nên chú ý đến thời gian súc miệng và súc miệng trước khi súc họng. Đó là ta súc miệng lâu khoảng 5 phút chứ không phải súc rồi nhả ra luôn và tốt nhất là súc nước muối nhạt chỉ có độ mặn hơn nước canh một chút là đủ.
Cụ thể, thạc sĩ Đức hướng dẫn khi làm sạch họng, trước tiên cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối trong khoảng 30 giây để loại bỏ vi khuẩn ở miệng. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới nên súc họng.
Khi súc họng nên ngửa cổ ra sau. Khi nước muối chạm thành sau họng, dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu "khò khò" đều đặn kéo dài 3 – 4 phút, nhổ nước cũ đi có thể lặp lại động tác trên 3 - 4 lần với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa.
Sau khi súc miệng, họng xong bằng nước muối loãng thì nên súc miệng lại bằng nước lọc để rửa hết lượng muối cũng như mảng bám đã bong ra lúc súc miệng bằng nước muối.
Ngoài ra, thạc sĩ Đức cũng cho biết nên sử dụng nước muối sinh lý đã được pha chế theo nồng độ nhất định. Nếu chúng ta tự pha nước thì có thể áp dụng cách pha với tỷ lệ như sau: 1 lít nước đun sôi để nguội pha với 9g muối để có nồng độ 0,9%.
Trong những trường hợp viêm họng cấp nên nhanh chóng điều trị và điều trị dứt điểm để tránh biến chứng thành viêm họng mạn tính (viêm họng hạt) gây khó khăn trong điều trị về sau và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bạn.