Trẻ 4-7 tuổi dễ bị mắc viêm não
Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mới vào đầu mùa dịch khoảng 1 tháng nhưng khoa đã tiếp nhận điều trị khoảng 17-20 trường hợp trẻ bị viêm não Nhật Bản. Các trường hợp mắc bệnh là do bố mẹ không nhớ lịch tiêm phòng nhắc lại.
Đa phần bệnh nhi viêm não Nhật Bản gặp di chứng rất nặng về thần kinh, có bệnh nhi phải phụ thuộc vào thở máy.
Bệnh nhi Đỗ Văn Hưng (13 tuổi, tại Thanh Hoá) gặp di chứng khá nặng sau khi mắc viêm não Nhật Bản.
Trước đó, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, ngủ nhiều, buồn nôn… đến ngày thứ 3 bệnh nhi được gia đình đưa tới bệnh viện tỉnh điều trị. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán viêm não và đã rơi vào tình trạng hôn mê.
Bệnh nhi Hưng nhanh chóng được chuyển tiến lên Bệnh viện Nhi với tiên lượng rất dè dặt.
Bệnh nhi 13 tuổi đang điều trị tại bệnh viện.
Sau 20 ngày, điều trị bệnh nhân vẫn phải thở máy, có ý thức, mở mắt tự nhiên, nhưng không đáp ứng xung quanh.
Qua khai thác tiền sử tiêm phòng thì bố mẹ bệnh nhi không nhớ, bệnh nhi có tiêm nhắc lại viêm não Nhật Bản hay chưa.
Bác sĩ Hải cho hay, trường bệnh nhân Hưng là một trong những trường hợp bệnh nhân điển hình mắc viêm não Nhật Bản để lại di chứng nặng nề do không được tiêm phòng đầy đủ.
Nhóm trẻ dễ bị mắc viêm não Nhật Bản chiếm tỷ lệ khá cao ở từ 4-7 tuổi.
"Có hai lý do nhóm tuổi này dễ bị mắc viêm não Nhật Bản. Thứ nhất, trẻ ở độ tuổi này cha mẹ thường không nhớ lịch tiêm phòng nhắc lại sau 3-5 năm/lần.
Thứ 2, nhóm tuổi nhà trẻ thường tự đi chơi một mình, đặc biệt trẻ ở vùng nông thôn nên dễ bị muỗi mang vi rút đốt và gây bệnh", bác sĩ Hải nói.
Ngày thứ 2, thời điểm vàng để nhận biết bệnh
Bác sĩ Hải cho biết, để phân biệt trẻ sốt cao do bị viêm não hay bệnh khác trong những ngày đầu là rất khó.
Tuy nhiên, khi chăm sóc trẻ nếu quan sát vẫn có thể nhận ra triệu trứng vào ngày thứ 2. Bệnh nhi sẽ có một số triệu chứng như: Trẻ đau đầu tăng, buồn nôn hoặc nôn khan, nôn không liên quan tới ăn uống…
Trẻ ngủ nhiều do bé tổn thương thần kinh hoặc trẻ không sốt cũng không chơi.
Trẻ viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng rất nặng nề.
"Ngày thứ 2, khi trẻ có một trong những triệu chứng trên cần nhanh chóng đưa trẻ đi viện để giảm thiểu biến chứng. Bởi vì, khi bệnh tiến triển tới ngày thứ 3, trẻ sẽ trở lên li bì thậm chí rơi vào hôn mê do tổn thương hệ thần kinh", bác sĩ Hải giải thích.
Trẻ bị viêm não Nhật Bản không được điều trị sớm thường để lại di chứng thần kinh về sau. Có khoảng 30-40% trẻ mắc viêm não bị di chứng.
Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bác sĩ Hải cho hay, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đã có trong chương trình tiêm chủng quốc gia do đó các bậc phụ huynh nên lưu ý thực hiện các mũi tiêm này từ khi trẻ còn nhỏ theo thời gian sau:
Mũi 1: khi trẻ 1 tuổi
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: 1 năm sau khi tiêm mũi 2
Theo đó, 3 mũi tiêm chủng này chỉ có khả năng bảo vệ trẻ trong khoảng 5-7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lại tăng lên. Do đó các bậc phụ huynh sau khi tiêm mũi 3, cần tiêm nhắc lại cho trẻ sau 3-4 năm, đến khi trẻ được 15 tuổi.
Cha mẹ cần lưu ý để giảm nguy cơ mắc bệnh cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt.
"Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng: đau đầu nhiều, nôn khan, nôn, ngủ nhiều… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Hải khuyến cáo.
Tên nhân vật đã được thay đổi.
Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.