LTS: Suy thận mãn tính hiện nay ngày càng tăng và đang có xu hướng trẻ hóa do lối ăn uống thiếu kiểm soát, thói quen ít vận động, stress… Sự chủ quan không có ý thức bảo vệ hai quả thận, đã khiến cho rất nhiều người phải trả giá đắt.
Để giúp cho mọi người cảnh giác hơn với căn bệnh suy thận mãn tính, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả tuyến bài: Đừng phá hỏng thận bằng sự chủ quan!
Thoát khỏi cảnh suốt đời ôm máy chạy thận
Anh N.Q.T (TP.HCM) là một thầy giáo, đang khỏe mạnh vẫn đứng trên bục giảng thấy mệt mỏi nhiều đi khám đã phát hiện bị suy thận nặng, độ lọc cầu thận còn 8 ml/phút/1.73m2.
Theo bệnh nhân T, anh đã có triệu chứng mệt mỏi từ lâu nhưng ngại đi khám bệnh. Tới khi đi khám anh T đã được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối và cần chạy thận nhân tạo định kỳ.
Ths.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Khoa Nội thận - Thận nhân tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, bệnh nhân T đã tới khoa khám và được chẩn đoán suy thận, thận ứ nước hai bên do bướu lành tuyến tiền liệt làm tắc nghẽn.
Bệnh nhân đã được mổ u tuyến tiền liệt, sau mổ chức năng thận hồi phục, không phải chạy thận nhân tạo.
Còn trường hợp bệnh nhân P.T.A (78 tuổi, tại TP.HCM) bị phù toàn thân, tiểu ít đã chạy thận nhân tạo 1 tháng ở một bệnh viện ở thành phố.
Bệnh nhân A có tới Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám và được các bác sĩ phát hiện bị bệnh cầu thận. Đây là nguyên phát gây tổn thương thận cấp. Sau đó, bệnh nhân A đã được điều trị đặc hiệu bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn, đi lại được.
Bác sĩ Thảo cho hay, có rất nhiều trường hợp thoát khỏi cảnh sống phải ôm máy lọc thận suốt đời nhờ được điều trị kịp thời, đúng cách.
Bệnh thận mạn xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí ở trẻ em cũng có nhiều trường hợp cần điều trị thay thế thận.
Thận bình thường làm nhiệm vụ thăng bằng nước điện giải trong cơ thể, loại bỏ qua nước tiểu các chất thải hữu cơ chẳng hạn như: ure, creatinine, acid uric, … các sản phẩm thoái biến của protein.
"Khi thận bị suy nặng không làm được nhiệm vụ này nữa, phải viện đến thận nhân tạo, là một trong những biện pháp điều trị thay thế thận", bác sĩ Thảo nói.
Bệnh nhân suy thận đang lọc máu.
Quá trình lọc thận diễn ra, khi máu được rút ra với tốc độ khoảng 250 ml/phút, theo dây dẫn rồi đi qua màng lọc có tính bán thấm ngăn cách giữa 2 ngăn: máu, và dịch lọc.
Máu sẽ được lọc sạch nước và các chất điện giải, hữu cơ dư thừa, rồi trở lại tuần hoàn cơ thể, giúp bệnh nhân có cuộc sống khỏe mạnh không bị ảnh hưởng bởi các biến chứng khi tăng ure máu.
Phát hiện bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa sâu
Bác sĩ Thảo khuyến cáo: "Với những bệnh nhân khi được chẩn đoán suy thận nên tới bác sĩ chuyên khoa khoa thận để được khám, chữa bệnh kịp thời và đúng cách, mới mong sớm hồi phục chức năng thận và thoát khỏi chạy thận nhân tạo".
Với người chưa mắc bệnh thận bác sĩ Thảo cần phải lưu ý những điều sau để tránh hỏng thận:
1. Cần có lối sống lành mạnh, tránh các bệnh chuyển hóa như: béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng acid uric…
2. Dùng thuốc đúng chỉ định, không lạm dụng thuốc giảm đau...
3. Uống nhiều nước.
4. Đi khám sức khỏe mỗi năm, tầm soát bệnh thận bằng ít nhất 3 loại xét nghiệm: thử nước tiểu, thử máu đánh giá chức năng thận, siêu âm hệ niệu.
"Nếu không may bị suy thận giai đoạn cuối, cần phải điều trị thay thế thận suốt đời, cũng đừng bi quan. Hiện nay, với các biện pháp chạy thận nhân tạo hiện đại, kê toa chính xác, chất lượng nước tốt sẽ giúp bệnh nhân duy trì chất lượng sống cao nhất.
Bệnh nhân vẫn có thể có sức khỏe để có thể tiếp tục lao động và nuôi sống bản thân", bác sĩ Thảo chia sẻ.
Chi phí một lần chạy thận thay đổi tùy thuộc loại vật tư sử dụng như màng lọc, dây máu… có tái sử dụng hay không và tái sử dụng bao nhiêu lần.
Bảo hiểm y tế trả cho một lần chạy thận nhân tạo thường quy ở người đã mở thông động tĩnh mạch là 552.000đ với màng lọc sử dụng lại 6 lần và dây máu sử dụng lại 6 lần.
Riêng với chạy thận cấp cứu là 1.403000đ với màng lọc và dây máu sử dụng 1 lần.
Bài tiếp theo: Những nghịch lý tại Việt Nam liên quan tới vấn đề hỏng thận sớm
Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.