Bác sĩ bị đánh hoài - có phải một phần do lỗi giao tiếp?

Bác sĩ Wynn Huynh Tran |

Văn hoá tôn sư trọng đạo khiến cho nhiều bệnh nhân luôn cúi đầu trước BS và chấp nhận thụ động những gì bác sĩ "phán". Sự thụ động này dễ làm cho các BS và sinh viên Y tại Việt Nam nghĩ mình là vua khi gặp các bệnh nhân "hiền".

Cứ vài ba tháng, tôi lại nghe tin đồng nghiệp bên Việt Nam mình bị đánh. Không thể không đặt hai câu hỏi: Có cách nào giảm thiểu và ngăn ngừa? Ở các nước khác họ làm gì để chống lại tình trạng này?

Các tìm hiểu về nhân viên y tế bị hành hung tại Việt Nam được đăng báo cho thấy một số điểm chung: đa số các vụ hành hung xảy ra tại bệnh viện công, do người nhà bệnh nhân đánh, và có liên quan đến vấn đề giao tiếp giữa bác sĩ (BS) và gia đình bệnh nhân.

Bác sĩ bị đánh hoài - có phải một phần do lỗi giao tiếp? - Ảnh 1.

Một vụ hành hung bác sĩ cách đây không lâu. Ảnh: Người lao động

Trong bài này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của giao tiếp giữa BS với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vì trong nhiều trường hợp, đây có thể là là nguyên nhân hàng đầu trong các vụ hành hung.

Theo bài viết trên các báo vể trường hợp hành hung gần đây nhất tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam thì người nhà bệnh nhân đã đến tìm BS sau khi chẩn đoán nhưng vì BS bận nên không kịp gặp và giải thích.

Trước đó, bệnh nhân đã được khám ở một bệnh viện khác và được chẩn đoán khác (bị rạn xương cần bó bột) so với chẩn đoán ban đầu (bị chấn thương phần mềm) ở Bệnh viện Thể thao.

Tại các BV công ở Việt Nam, một BS phải khám khá nhiều bệnh và khám liên tục.

Bác sĩ bị đánh hoài - có phải một phần do lỗi giao tiếp? - Ảnh 2.

Thời gian dành cho một bệnh nhân không đủ, khiến cho ít có BS nào có thể hỏi lại bệnh nhân và người nhà "cô chú anh/chị có hiểu mình/con mình bị bệnh gì?" "Còn thắc mắc nào nữa không ạ? " Vì vậy khá dễ hiểu nếu như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không hiểu hết bệnh tình.

Đặc biệt, các chuyên khoa như nhi khoa, ung thư, hoặc cấp cứu là những chuyên khoa cần nhiều thời gian để giải thích. Cha mẹ thường rất lo lắng cho con cái nên sẽ có nhiều câu hỏi và thắc mắc trong khi chính họ không phải là người bệnh.

Cảm giác nóng lòng muốn biết và muốn chữa bệnh cho con có khi làm họ mất bình tĩnh. Tôi từng gặp một bệnh nhi chỉ nói là ngứa cổ họng nhưng mẹ vì thương con quá nên nghĩ rằng bé đang rất đau cổ họng và truyền đạt lại với BS như vậy.

Kỹ năng nói chuyện với bệnh nhi là một kỹ năng đặc biệt mà các BS chuyên khoa nhi cần phải học một thời gian dài. Trường Y và đào tạo BS tại Việt Nam hiện nay chưa chú ý nhiều đến vấn đề giao tiếp giữa BS và bệnh nhân.

Về chuyên môn, không ít sinh viên Y khoa và BS nội trú lúng túng trong những ca khó liên quan đến các bệnh hiếm hoặc chẩn đoán không rõ ràng.

Thêm nữa, văn hoá tôn sư trọng đạo khiến cho nhiều bệnh nhân luôn cúi đầu trước BS và chấp nhận thụ động những gì bác sĩ "phán". Sự thụ động này dễ làm cho các BS và sinh viên Y tại Việt Nam nghĩ mình là vua khi gặp các bệnh nhân "hiền".

Trong khi đó, một bệnh nhân nóng tính và thích đánh đấm, nếu không được giải thích rõ và cảm giác không được tôn trọng sẽ dễ nghĩ đến việc phải tìm BS để "chấn chỉnh" ngay lập tức.

Lý do thứ ba là hệ thống luật pháp khá lỏng lẻo bên Việt Nam cũng khiến cho người nhà bệnh nhận không ngại chuyện hành hung nhân viên y tế. Bởi vì rất nhiều ca hành hung BS được đăng lên báo nhưng rồi mọi chuyện cũng rơi vào im lặng.

Nhìn xa hơn, chuyện BS bị hành hung không chỉ riêng có tại Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển cũng vậy.

Tháng 5 năm ngoái, BS Wang Jun tại Shaodong, Trung Quốc bị bệnh nhân đánh chấn thương đầu đến tử vong. Tháng 3 năm nay, BS Rohit Kumar ở Mubai, Ấn Độ bị đánh chất thương vùng đầu đa chấn thương nặng.

Nguyên nhân chủ yếu là do lỗi giao tiếp. Người nhà bệnh nhân cho rằng, các BS đã bỏ bê bệnh nhân và không giải thích đầy đủ tình trạng bệnh.

Hiệp hội Y khoa Trung Quốc thống kê có đến 60% BS Trung Quốc từng bị chửi và 13% bị đánh bởi người nhà bệnh nhân.

Chuyện tệ đến mức BS Trung Quốc phải biểu tình đòi quyền lợi cho mình. Các nhà chức trách sau đó phải mạnh tay hơn trong việc xử phạt. Sau đ,ó tỉ lệ BS bị hành hung giảm hẳn.

Tại Mỹ, tình trạng đánh đập BS ít hơn do nhiều lý do. Một phần là việc giao tiếp với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được đặt lên hàng đầu.

Trường Y khoa Mỹ và chương trình nội trú luôn dành thời gian để dạy giao tiếp và đây cũng là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để BS tốt nghiệp nội trú chuyên khoa tại Mỹ.

Thêm nữa, nếu bệnh nhân có hiểu lầm và tức giận BS, họ sẽ không chọn hành hung mà chọn cách kiện ra tòa vì có lợi hơn nhiều.

Một ca kiện thường là vài triệu đến vài chục triệu USD nên họ được luật sư khuyên là không nên đánh BS mà lấy tiền BS hay hơn. Thêm nữa, luật pháp Mỹ xử khá nặng tay cho những hình thức làm nhục người khác nơi công cộng.

Trở lại trường hợp BS bị đánh ở Bệnh viện Thể Thao, phân tích biểu đồ xương cá (root analysis) cho thấy giao tiếp là khâu quan trọng có liên quan đến chuyện này bên cạnh những lý do khác.

Nếu BS và người nhà bệnh nhân chịu nghe và nói với nhau hơn, có thể chuyện đã khác.

Nhưng hậu quả của việc hành hung BS rất lớn. Bên cạnh một BS bị chấn thương vể thể xác và tâm lý khi bị hành hung, có những hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Sau bao nhiêu năm học tập và hy sinh cực khổ, các BS nhận ra mình xứng đáng đươc đối xư tốt hơn là bị đánh. Họ dễ bị trầm cảm, lo âu bị trả thù và không còn tập trung vào công việc.

Bệnh nhân sẽ không còn tin vào bệnh viện. Các sinh viên và học sinh khác không muốn vào ngành Y. Người bệnh là người gánh chịu mọi hậu quả.

Chấm dứt hành hung BS và nhân viên y tế là điều cần phải làm nếu như nền y tế Việt Nam muốn phát triển.

Ngành y tế các nước khác trước khi phát triển cũng đã trải qua quá trình như y tế Việt Nam và có lý do để giải thích việc vì sao đầu tiên họ luôn nhấn mạnh vào cách giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại