"Nhiều người hỏi tôi khám ngoài giờ hành chính có bị quá tải không, nhưng thực tế chúng tôi quá quen với những ngày làm việc, trực 24/24 nên việc khám thêm giờ là bình thường", tiến sĩ Đoàn Thu Trà, Phó giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới chia sẻ sau 2 ngày Bệnh viện Bạch Mai thực hiện mở khám tới 21h.
Với hơn 2.000 bác sĩ, nhân viên y tế đăng ký tình nguyện tham gia khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính, Bệnh viện Bạch Mai phân chia mỗi ngày khoảng 70 chuyên gia, y bác sĩ túc trực tại 22 phòng, chuyên khoa thực hiện khám chữa bệnh từ 17h đến 21h. Trung bình mỗi buổi khám bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 300 người.
Cũng như nhiều đồng nghiệp, tiến sĩ Trà đồng tình việc các bác sĩ, nhân viên y tế khám ngoài giờ tại bệnh viện thay vì đi làm tại các phòng mạch tư nhân. Lý do, làm việc ngoài giờ tại bệnh viện vừa đảm bảo an toàn, quyền lợi, vừa có thêm thu nhập chính đáng. Bên cạnh đó, y bác sĩ còn được đảm bảo vệ về mặt pháp lý, cũng như kết nối giữa các bác sĩ với nhau sẽ giúp hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn trong một số trường hợp đặc biệt.
"Nhìn người bệnh vất vả phải xếp hàng cả ngày để chờ đợi, chúng tôi sẵn sàng khám thêm giờ phục vụ họ. Tôi hạnh phúc khi giúp các bệnh nhân có nhiều thời gian khám hơn trong ngày, nhất là người đi làm giờ hành chính có thể đưa bố mẹ, con cái đến khám sức khỏe định kỳ sau giờ làm", tiến sĩ Trà nói.
Nữ bác sĩ và đồng nghiệp luôn cố gắng khám cho đến khi hết bệnh nhân, bởi "người bệnh còn chờ tức là còn tin tưởng vào bác sĩ và bệnh viện".
Giáo sư Nguyễn Văn Chi (Trung tâm Cấp cứu A9) nêu những lợi ích đặc biệt ít người nhận ra khi đi khám bệnh buổi tối. Đó là buổi tối các giáo sư, bác sĩ chuyên ngành làm việc tại các chuyên khoa vẫn có mặt đầy đủ, tập trung tại nhà K1 - Khoa khám bệnh theo yêu cầu để phục vụ bệnh nhân. Các bộ phận hậu cần, khối xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh vẫn hoạt động như ban ngày. Người bệnh sẽ được bố trí khám luôn mà không phải chờ đợi lâu, tránh xảy ra tình trạng quá tải.
Nếu như trước đây, người bệnh lý phức tạp có thể phải chờ đợi sang hôm sau mới có kết quả (vì phải trải nhiều quy trình) thì giờ đây họ có thể về nhà trong ngày.
Giáo sư Nguyễn Văn Chi dẫn chứng về trường hợp bị ho ra máu lâu ngày, chữa nhiều nơi không tìm ra nguyên nhân. Người này đến viện khám vào buổi sáng, thực hiện nhiều xét nghiệm phức tạp và mất thời gian, thông thường phải sang ngày hôm sau mới có kết quả và kết luận từ bác sĩ. Tuy nhiên, hiện toàn bộ quy trình được thực hiện trong ngày, nghĩa là bệnh nhân có thể về nhà sớm.
Đánh giá về khả năng khám chữa bệnh trước nhu cầu tăng cao như hiện nay tại bệnh viện tuyến cuối, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, thời điểm hiện tại các máy móc đã đủ để phục vụ người bệnh, nhưng việc thăm khám thêm giờ chỉ là giải pháp trước mắt.
"Vấn đề quá tải bệnh nhân ở tuyến cuối liên quan đến việc phát triển năng lực của y tế cơ sở. Theo tôi, c hỉ những trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của các y bác sĩ cấp cơ sở thì mới cần lên tuyến trên", PGS.TS Vũ Văn Giáp nói.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của Việt Nam, là tuyến cao nhất trong thang điều trị của ngành y tế, với 56 đơn vị, quy mô 3.200 giường bệnh và hơn 4.000 cán bộ và nhân viên y tế.
Theo thống kê, mỗi ngày một tỉnh đưa về Bệnh viện Bạch Mai hơn 10 bệnh nhân nặng và đều được bệnh viện tiếp nhận, điều trị.
Bệnh viện Bạch Mai có hơn 4.000 giường bệnh nội trú và mỗi ngày tiếp nhận khám, điều trị cho hơn 7.000 bệnh nhân ngoại trú.