Điển hình trường hợp tử vong ngày 11/7 là trường hợp chị T.M (28 tuổi, trú tại Hà Nội). Chị M mắc bệnh viêm cầu thận lupus đã được điều trị ở Trung tâm Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai trước đó 1 tháng và đã được ra viện vào cuối tháng 6.
Nhiều người mắc thủy đậu nặng. Ảnh: BVCC
Tuy nhiên, đến ngày 2/7, chị M. lại xuất hiện tình trạng đau nhiều ở vùng thắt lưng và cột sống nên đã vào Trung tâm Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai điều trị với chẩn đoán đau lưng cấp. Ngày 5/7, các bác sĩ phát hiện chị M. có nốt phỏng nước ở mặt, lan xuống ngực, bụng nên đã chuyển Trung tâm Bệnh nhiệt đới bệnh viện để tiếp tục điều trị.
Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, khi tiếp nhận, chị M. xuất hiện phỏng nước có chảy máu bên trong, nốt phỏng ở vùng đầu mặt, nửa thân trên. Trong niêm mạc miệng có các điểm trợt chảy máu, các vị trí lấy máu tiêm truyền có hiện tượng chảy máu khó cầm.
Sau khi làm các xét nghiệm và thăm khám cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán bị thủy đậu, không rõ nguồn lây.
"Đến ngày 6/7, bệnh nhân vẫn tỉnh, đại tiểu tiện ra máu. Sáng 7/7, bệnh nhân bắt đầu có hiện tượng trở nặng như thở gắng sức, vận mạch leo thang, phải đặt ống nội khí quản, các bác sĩ giải thích với gia đình tiên lượng tử vong của bệnh nhân rất cao.
Đến khoảng 9h20 ngày 7/7, sau 3 tiếng đặt ống nội khí quản, bệnh nhân mạch chậm dần, khó bắt, huyết áp không đo được, sau đó tử vong tại viện vào lúc 9h23 cùng ngày", bác sĩ Cường thông tin.
Ngoài các ca bệnh tử vong, Trung tâm còn tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng. Cụ thể bệnh nhân nam (29 tuổi, ở Bắc Ninh) trong tình trạng hồng cầu tụt, khó thở, phải hỗ trợ thở oxy, tình trạng tổn thương da toàn thân, nổi các nốt phỏng, sốt. Qua khai thác người nhà cho biết, bệnh nhân có dấu hiệu bị thủy đậu, đi khám thì được phát thuốc uống rồi về, 2 hôm sau bệnh nhân thấy có dấu hiệu khó thở hơn.
PGS. Đỗ Duy Cường cho biết đây là trường hợp thủy đậu nặng, có biến chứng suy gan, suy hô hấp, có biểu hiện tổn thương. Bệnh nhân có tiền sử bệnh gút. Hiện, bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc kháng vi rút, truyền tĩnh mạch, hồi sức tích cực….
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân thủy đậu đang điều trị tại Trung tâm. Ảnh: BVCC
Theo PGS Cường, thủy đậu thường mắc ở trẻ em do chưa được tiêm phòng nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.
Những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng thường là những người mắc các bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như Corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận hoặc có cơ địa đặc biệt, là phụ nữ có thai.
“Đây là những đối tượng đặc biệt khi mắc bệnh thì vi rút sẽ bùng lên và tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như: viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu.
Người dân không nên chủ quan và nghĩ chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu! Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất”, PGS Cường lưu ý.
PGS Cường khuyến cáo, người dân nên đi tiêm phòng vaccine thủy đậu, không nên chủ quan để hạn chế các biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra. Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải thực hiện biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh có thể lây qua đường hô hấp. Người lớn khi mắc thủy đậu có thể gặp biến chứng nặng hơn nếu có bệnh nền và thường phát hiện muộn hơn hoặc có chẩn đoán nhầm với các bệnh khác.