Bác sĩ 2 miền Nam – Bắc “căng mình” chạy đua với ca ghép tạng xuyên Việt

Như Loan |

Để có được sự thành công của hai ca ghép tạng ngày 26/2 tại BV Chợ Rẫy, ê kíp vận chuyển tạng xuyên Việt từ Hà Nội về TP.HCM đã phải “căng mình” phối hợp nhịp nhàng và nhanh nhất.

Chuyến bay thần tốc đem sự hồi sinh đến bệnh nhân ghép tim

"Ngày 25/2 khi nhận được thông tin BV Chợ Rẫy được tiếp nhận mô tạng từ phía BV Trung ương Quân đội 108, tôi lập tức hủy chuyến công tác và quay về, trên đường quay về, qua điện thoại tôi đã trao đổi và xin ý kiến sự chỉ đạo của đồng chí giám đốc BV.

Ngay sau khi trao đổi xong, tôi được giao trách nhiệm điều phối anh em liên hệ với BV Việt Đức để tổ chức và kịp thời tiến hành nhận và ghép tạng cho bệnh nhân", PGS. TS. BS Trần Quyết Tiến - PGĐ BV Chợ Rẫy (Tp.HCM) bắt đầu kể về hành trình chuyển và ghép tạng xuyên Việt.

Bác sĩ 2 miền Nam – Bắc “căng mình” chạy đua với ca ghép tạng xuyên Việt - Ảnh 1.

PGS. TS. BS Trần Quyết Tiến - PGĐ BV Chợ Rẫy (Tp.HCM) không giấu được cảm xúc và muốn được nói lời cảm ơn của mình với xã hội, với lãnh đạo, với tập thể và toàn bộ anh em về kết quả ban đầu hết sức quan trọng

Bệnh nhân chờ ghép tim là một chàng trai 29 tuổi, mắc bệnh tim giãn nở, chỉ có thay tim mới tiếp tục sống.

TS.BS Dương Thị Ngọc Thu – Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy tâm sự: "Trước đó, bệnh nhân này cũng được gọi hai lần để ghép tim từ người chết não.

Nhưng vì quá nghèo, cậu bệnh nhân đành buông bỏ hy vọng chữa trị, sau khi nhận được thông tin từ phía trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia BV Chợ Rẫy sẽ được nhận điều phối ghép một quả tim từ người hiến tạng tại BV TW 108, tôi đã gọi điện để động viên gia đình tìm cách cho bệnh nhân ghép tim".

Ghép tạng nói chung và ghép tim nói riêng là một trong những kỹ thuật rất khó, Bởi nó đòi hỏi tính khẩn trương, chính xác, nếu chậm trễ thì tim sẽ hết giá trị.

Trước đó, người nhận và người cho phải có những kết quả xét nghiệm cho phản ứng chéo thì mới có thể đánh giá được mức độ tương thích.

Thời gian để bảo quản một quả tim chỉ tối đa khoảng 7 – 8 tiếng đồng hồ , không thể nào lâu hơn được. Mà xét nghiệm cho phản ứng chéo trung bình khoảng 2h đồng hồ cho 1 xét nghiệm cho ra kết quả.

"Cái khó ở đây là người cho thì ở phía Bắc, người nhận ở phía Nam. Muốn có 1 xét nghiệm phản ứng chéo phải có máu của 2 đối tượng, 1 là người cho, 2 là người nhận để xác định sự hòa hợp của tế bào có thể thực hiện được hay không.

Điều khó nhất đặt ra lúc bấy giờ là, làm thế nào để có được mẫu máu của người cho để tiến hành xét nghiệm", BS Thu chia sẻ.

Bác sĩ 2 miền Nam – Bắc “căng mình” chạy đua với ca ghép tạng xuyên Việt - Ảnh 2.

Có được những tiếng thở phào nhẹ nhõm sau ca ghép là nhờ vào nỗ lực hết mình của các BS từ hai miền Tổ quốc

Về phía đầu cầu Hà Nội, 10h sáng cuộc mổ được tiến hành và dự kiến quả tim sẽ đến được với BV Chợ Rẫy khoảng 4h chiều.

Từ khi người cho bắt đầu ngưng tim đến khi quả tim được đặt vào cơ thể của người nhận, chỉ cho phép tối đa 8h đồng hồ nếu sau 8 tiếng đồng hồ thì chức năng của quả tim sẽ giảm.

Quãng đường 1.700km và chuyến bay 2 giờ đồng hồ quả là một con số quá áp lực lúc bấy giờ.

BS CK 2 Phạm Thái An – Trưởng khoa hồi sức phẫu thuật Tim – BV Chợ Rẫy nói: "Ở Việt Nam đã tiến hành 3 ca ghép tim xuyên Việt, 2 ca là vận chuyển từ BV Chợ Rẫy ra BV Việt Đức, đây là ca thứ 3 vận chuyển ngược lại từ BV TW 108 vào BV Chợ Rẫy.

Trong vận chuyển tim như vậy, cái khó khăn nhất chính là khâu bảo quản tim. Phải hết sức kịp thời, khẩn trương và tránh tuyệt đối mọi sai sót".

Đối với trường hợp đặc biệt này, thời gian thiếu máu trong vòng 6 tiếng là khoảng thời gian trong mức giới hạn cho phép.

Để đạt được mọi thứ trong khoảng thời gian này, phải rất cần sự nỗi lực từ rất nhiều phía. Thứ nhất, phải nói đến sự nhanh chóng kịp thời từ đầu cầu Hà Nội, mà cụ thể là từ sân bay Nội Bài.

Bác sĩ 2 miền Nam – Bắc “căng mình” chạy đua với ca ghép tạng xuyên Việt - Ảnh 3.

Chàng trai may mắn nhận được quả tim từ người đàn ông chết não

Trưởng khoa hồi sức phẫu thuật Tim nhớ lại: "Ngày hôm đó, thời gian lấy quả tim ra khỏi lồng ngực người cho là 13h30 đến thời gian bắt đầu vận chuyển quả tim là 14h. Chúng tôi là những người cuối cùng lên chuyến bay đó. Rất may mắn là, chuyến bay được cất cánh đúng giờ, không bị trễ chuyến.

Trong suốt quá trình bay, chúng tôi không ngừng bơm dung dịch bảo vệ tạng. Chúng tôi phải căn giờ sao cho khớp với mọi thủ tục. Hạn chế những rủi ro không may xảy đến".

Phải nói rằng, ca ghép tạng có được thành công là nhờ vào sự nỗ lực rất lớn của các cán bộ y bác sĩ hai miền đã "căng mình" chạy đua với ca ghép tạng đặc biệt ngày 26/2/2018.

Gần 10 giờ đồng hồ kịch tính và những tiếng thở phào nhẹ nhõm

TS. Phạm Văn Đông – Trưởng khoa Gây mê hồi sức, BV Chợ Rẫy kể: "Khi quả tim của người cho được vận chuyển từ Hà Nội bằng máy bay lúc 14h chiều, các BS khoa gây mê hồi sức ở phía Nam chúng tôi đã phải lên dây cót về đội ngũ nhân lực và trang thiết bị trước nhiều tiếng đồng hồ để làm sao ca ghép được diễn ra suôn sẻ, hoàn hảo".

Tổng số nhân lực cho ca ghép là trên 30 nhân sự bao gồm, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, khi đầu cầu phía nam nhận được lệnh, trái tim đã lên máy bay, các y BS khoa gây mê hồi sức đã đưa bệnh nhân vào phòng để chuẩn bị cho công tác gây mê hồi sức trước phẫu thuật.

"Trước đây, khi thực hiện ca ghép tạng chúng tôi có sự chuẩn bị trước 10 – 15 ngày. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt, chính vì thế phải hết sức khẩn trương thì mới có thể có được thành công trong ca ghép tạng này", TS. Phạm Văn Đông bộc bạch.

Để ca ghép được thành công, 2 đầu cầu phải tuân thủ theo hướng dẫn của điều phối, mọi thao tác khâu chuẩn bị phải nhịp nhàng, vì một giây là vàng đối với bệnh nhân.

Trường hợp đặc biệt này, thời gian phẫu thuật ca ghép tim được tiến hành từ 17h chiều đến 22h30 đêm.

Trong lúc quả tim đã được đặt gọn gàng vào lồng ngực người nhận, chuyến bay mang quả thận cũng kịp về Sài Gòn. 19h, cô gái được đưa vào phòng mổ, 21h ca mổ được hoàn tất.

Các ca ghép được diễn ra rất hoàn hảo, sau ghép thì chức năng của thận đã được phục hồi và trở lại bình thường.

Tuy là ca ghép tim thứ hai của BV Chợ Rẫy, nhưng lại là ca đầu tiên chuyển tim từ ngoài Bắc chuyển vào.

Thử thách là vô vàn, song, các y BS đã gặt hái được thành công, đứng lặng người thở phào nhẹ nhõm khi nhìn quả tím nóng đang đập trong lồng ngực bệnh nhân của mình.

Ngay trong sáng 19/3, tại BV Chợ Rẫy diễn ra buổi gặp gỡ báo chí, phía BV xác nhận người bệnh được ghép tạng đã có thể đi lại và nói chuyện với mọi người từ phòng hồi sức sau phẫu thuật.

Xem thêm:

Những tiết lộ gan ruột của bác sỹ "tái sinh'' người bệnh nhờ ghép tạng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại