ZTE bị cáo buộc vi phạm các lệnh cấm của Mỹ. Các nhà lập pháp ở thượng viện coi doanh nghiệp này là mối đe dọa an ninh quốc gia và lo ngại các sản phẩm điện tử viễn thông của ZTE có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp tại Mỹ hay tấn công mạng.
Dự luật quốc phòng được thông qua với tỷ lệ phiếu 85-10, và sẽ còn chờ Hạ viện xem xét thông qua trước khi chuyển sang Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký thành luật chính thức.
New York Times bình luận, dự luật là lời cảnh báo sắc bén từ Quốc hội đối với cách thức xử lý vấn đề công ty ZTE của chính quyền ông Trump, được cho rằng sẽ tạo thành mối bất hòa giữa các nghị sĩ Cộng hòa với Nhà Trắng.
Các quy định trong dự luật sẽ vô hiệu hóa thỏa thuận mà Bộ thương mại Mỹ đạt được mới đây, cho phép ZTE duy trì hoạt động tại Mỹ bằng cách đóng khoản phạt 1 tỉ USD, tái cơ cấu ban lãnh đạo cấp cao và bổ nhiệm các nhân viên Mỹ. Thỏa thuận này bị các nhà lập pháp Mỹ phản ứng mạnh mẽ, họ cáo buộc tổng thống Trump đặt an ninh quốc gia vào vòng nguy hiểm khi cho phép một công ty vi phạm các lệnh cấm của Mỹ tiếp tục kinh doanh.
Tháng 4 vừa qua, Bộ thương mại Mỹ đã ban hành lệnh cấm 7 năm đối với các công ty Mỹ đang hợp tác với ZTE, nhưng đến táng 5, ông Trump cho biết chính quyền ông đang làm việc để cứu ZTE khỏi nguy cơ phá sản.
Theo NYT, kết quả bỏ phiếu ở thượng viện ngày 18 là một diễn biến khác thường bởi Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm đa số hiếm khi công khai "qua mặt" chính quyền ông Trump, ngay cả trong các vấn đề có mâu thuẫn với tổng thống. Nhà Trắng đã bày tỏ phản đối các quy định mới và tuyên bố sẽ chống lại dự luật trước khi nó có hiệu lực.
Các nghị sĩ Cộng hòa sẽ có cuộc gặp tới ông Trump ở Nhà Trắng vào ngày 20/6 để thảo luận lộ trình tiếp theo cho vấn đề này - theo nghị sĩ bang Texax John Cornyn, nhân vật số hai của phe Cộng hòa tại thượng viện.
Trong phiên bản dự luật do phía Nhà Trắng soạn thảo không bao gồm các diễn đạt về trừng phạt ZTE, và sắp tới lưỡng viện Mỹ sẽ phải dành nhiều tuần để nghiên cứu các khác biệt trong 2 bản dự luật trước khi thống nhất văn kiện cuối cùng. Đây là khoảng thời gian chính phủ Mỹ có thể tìm cách đảo ngược hành động của thượng viện.
Tái áp đặt các lệnh cấm với ZTE sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc, giữa bối cảnh hai nước đang mở màn cuộc chiến tranh thương mại bằng các tuyên bố áp thuế quan với hàng hóa của nhau.