"Tôi nghĩ điều quan trọng với Trung Quốc thực sự là cố gắng ngăn cản Mỹ tập hợp đa số hoặc hầu hết các quốc gia thành một nhóm mà Trung Quốc coi là một kiểu liên minh chống Trung Quốc", Andrew Gilholm, Giám đốc tổ chức Quản lý Rủi ro chuyên phân tích về Trung Quốc và Đông Bắc Á cho hay.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang dưới thời Tổng thống Trump khi chính quyền Washington thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trên hết", được cho là áp dụng hướng tiếp cận đơn phương thay vì hợp tác với các đồng minh.
Reuters đưa tin, ngoại trưởng Nhật Bản, Ấn Độ, Australia đã đưa ra các tuyên bố mơ hồ tại Hội nghị đối thoại an ninh 4 bên ở Tokyo hồi tháng trước trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tập trung vào việc chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc.
Điều này dường như sẽ thay đổi dưới thời ông Biden. Cựu Phó Tổng thống Mỹ từng nhiều lần nhấn mạnh đến yêu cầu Mỹ cần hợp tác với các quốc gia khác và việc ông lựa chọn ông Antony Blinken cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ đã củng cố sự ủng hộ với chiến lược này.
Ông Gilholm nhận định với CNBC rằng Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đều có ý nghĩa quan trọng về kinh tế với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh hiểu rõ về mối quan hệ giữa Tokyo và Washington.
"Trung Quốc không có ảo tưởng về mối quan hệ thân thiết như Nhật Bản với Mỹ, hay ở một mức độ thấp hơn là như Hàn Quốc với Mỹ mặc dù Tổng thống Moon Jae In vẫn phần nào muốn cân bằng các mối quan hệ với Trung Quốc", chuyên gia này cho hay.
Theo nhà quan sát Gilholm, tại Đông Nam Á, có một "sự khác biệt lớn" giữa các quốc gia về lập trường với Trung Quốc.
"Tôi cho rằng mối lo ngại của Trung Quốc bây giờ là vào cuối thời kỳ của Tổng thống Trump, triển vọng Mỹ hợp tác với các nước khác sẽ được cải thiện trong chính sách đối phó với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ rất ráo riết ngăn cản các quốc gia tham gia vào kế hoạch này"./.