Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế ở Đại học nhân dân Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc có thể sẽ "gửi thông điệp quyết liệt" và "ít nhất hạ cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ" nếu chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục thách thức chính sách "Một Trung Quốc".
Theo ông, nếu chính phủ mới của Mỹ đụng chạm đến Đài Loan - vấn đề nhạy cảm mà Bắc Kinh tuyên bố là "lợi ích cốt lõi" của mình, thì Mỹ không thể kỳ vọng có được sự hợp tác của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế quan trọng.
Trung Quốc cũng có thể hành động một cách khiêu khích hơn chống lại hoạt động tuần tra tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành trên biển Đông, mà cho đến nay Bắc Kinh nói rằng họ mới chỉ "cảnh cáo bằng lời và phản ứng kiềm chế".
Li Ruogu, cựu Chủ tịch Ngân hàng xuất-nhập khẩu Trung Quốc, chỉ ra Bắc Kinh là chủ nợ lớn của Washington, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Mỹ.
"Nếu Trump có động thái bất hợp lý, Trung Quốc có thể trả đũa trong lĩnh vực kinh tế và thương mại," ông Li trả lời phỏng vấn tờ China Daily cho biết.
Theo Li, chính phủ Trung Quốc cần sẵn sàng cho mọi tình huống và từ bỏ ảo tưởng về những gì Trump sẽ làm hoặc không làm.
Nhà nghiên cứu về Mỹ tại Viện quan hệ quốc tế đương đại (Trung Quốc) Dong Chunling nhận định, với những tuyên bố cứng rắn nhằm vào Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, ông Trump muốn tạo "đòn bẩy" cho chính sách đối ngoại của mình sau khi chính thức nắm quyền ngày 20/1 tới.
"Nếu nền tảng quan hệ Mỹ-Trung bị suy yếu, hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước cũng sẽ bị ảnh hưởng, tác động đến nền kinh tế cùng công ăn việc làm ở Mỹ," ông Dong nói.
Ở một diễn biến khác, tờ Zaobao (Singapore) ngày 13/12 đưa tin, Joseph Wu - quan chức an ninh cấp cao, cùng người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan David Lee, sẽ có chuyến sang Mỹ nhằm tăng cường trao đổi và đối thoại giữa hai bên.