Bắc Kinh chưa hết sốc, IMF lại tiếp tục dự báo viễn cảnh tồi tệ hơn nữa: Năm 2020, kinh tế TQ rất khó "ngóc đầu"!

Hồng Anh |

Mức tăng trưởng 6% có thể chưa phải là "mức đáy" của kinh tế Trung Quốc, theo dự báo của IMF.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể còn chậm lại hơn nữa vào năm 2020 - trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi trở lại, CNBC trích dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cụ thể, trong báo cáo về Tổng quan Kinh tế Thế giới mới được IMF công bố gần đây, cơ quan này đã dự báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 có thể là 5,8% - thấp hơn so với mức dự báo 6,1% của năm 2019.

Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 6,6%; tuy nhiên theo chỉ số mới được chính phủ nước này công bố hôm thứ 6 tuần trước (18/10), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 6% trong quý III năm 2019, thấp hơn mức dự báo của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), hơn nữa còn là mức thấp kỷ lục trong gần 3 thập kỷ qua.

Đây được coi là "báo động đỏ" trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa được giải quyết triệt để, trong khi Bắc Kinh lại phải đối diện với nhiều khủng hoảng khác như các phong trào biểu tình tại Hong Kong và dịch tả lợn châu Phi.

"Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang tiếp tục giảm tốc - hiện tượng này đã bắt đầu từ một vài năm trước", ông Tao Zhang, Phó Giám đốc Điều hành của IMF trả lời phỏng viên CNBC tại hội nghị thường niên của WB-IMF, được tổ chức tại Washington hôm thứ 7 (19/10) vừa qua.

"Trong những năm gần đây, chúng ta không chỉ phải đối diện với các cuộc xung đột thương mại giữa các quốc gia, mà còn có nhiều vấn đề địa chính trị và bất ổn khác trên thế giới... những yếu tố này đã cộng dồn lại, khiến kinh tế Trung Quốc phải chịu sức ép rất lớn", ông Zhang bình luận.

Tuy nhiên, ông Zhang cho rằng việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là "hợp lý", bởi hiện nay quốc gia này đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế của mình để phát triển theo hướng bền vững hơn. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đang hướng theo con đường phát triển ít phụ thuộc hơn vào các khoản nợ, và tập trung hơn vào thị trường tiêu dùng trong nước.

Sự chuyển dịch này sẽ khiến Trung Quốc phát triển chậm lại, nhưng lại tốt hơn về thực chất, theo ông Zhang.

"Bạn không thể kỳ vọng bất kỳ nền kinh tế nào - dù là to hay nhỏ - có thể duy trì liên tục mức tăng trưởng ở con số 7, 8, 9 hay 10% được... Do đó, tôi tin rằng nếu chúng ta nói về tăng trưởng thực chất, bền vững, thì mức tăng trưởng dao động trong khoảng 5,8% là hợp lý", ông Zhang giải thích.

Bắc Kinh chưa hết sốc, IMF lại tiếp tục dự báo viễn cảnh tồi tệ hơn nữa: Năm 2020, kinh tế TQ rất khó ngóc đầu! - Ảnh 2.

Hình ảnh minh họa

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu "bấp bênh"

Trái với dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm tới, IMF cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục ở mức 3,4% vào năm 2020 - sau khi giảm xuống 3% trong năm 2019 do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt mức 3,6%.

Tuy nhiên, IMF cho biết con số này chỉ mang tính chất tham khảo, do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn khá "bấp bênh" và khó dự đoán chính xác vì các chỉ số còn phụ thuộc vào sự thay đổi về chính sách, ông Zhang nói.

Kinh tế Trung Quốc chạm đáy

Chỉ số tăng trưởng trong Quý III năm 2019 mới được chính phủ Trung Quốc công bố tuần trước cho thấy nền kinh tế nước này thực sự đang phải chịu sức ép lớn. Gần đây, tuy nước này đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 với Mỹ, nhưng điều đó vẫn không đủ cứu vãn nền kinh tế đang gặp khó khăn đủ đường.

Chính quyền Bắc Kinh cũng đã dự đoán trước tình hình kinh tế đi xuống, thể hiện trong những động thái gần đây của giới chức cấp cao nước này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 14/10 đã triệu tập lãnh đạo kinh tế 5 tỉnh của nước này, và thông qua bài phát biểu về "sức ép kinh tế đi xuống" hết sức cấp bách, ông đã chỉ đạo các quan chức phải tìm kiếm biện pháp khắc phục tình trạng này.

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 17/10 cũng bày tỏ hy vọng sẽ sớm đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, hai nước vẫn chưa có tiển triển nào đáng kể sau khi kí kết thỏa thuận giai đoạn 1.

Trước tình hình kém lạc quan này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã trấn an thị trường trong và ngoài nước bằng bức thư với một số nội dung đáng chú ý, được cho là thông điệp ngầm gửi tới Mỹ trong bối cảnh cuộc thương chiến vẫn chưa được giải quyết dứt điểm:

"Cánh cửa thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng được mở rộng hơn, môi trường kinh doanh sẽ ngày càng tốt hơn, và cơ hội dành cho các công ty đa quốc gia trên toàn cầu cũng sẽ ngày càng nhiều hơn. [...] Chỉ khi thế giới tốt đẹp, thì Trung Quốc mới tốt đẹp. Chi khi Trung Quốc tốt đẹp, thì thế giới mới có thể trở nên tốt hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại