Bắc cực thử thách quan hệ Mỹ - Nga trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh

Bình Giang |

Ngày 16/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến đi với trọng tâm là tương lai của Bắc cực, một trong những nguồn cơn khiến mâu thuẫn với Trung Quốc gia tăng và cũng là phép thử cho quan hệ căng thẳng của Mỹ với Nga trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Biden – Putin dự kiến sắp diễn ra.

Trong chuyến đi này, ông Blinken sẽ đến Copenhagen trước, dự kiến gặp các lãnh đạo Đan Mạch trong ngày 17/5 trước khi sang Iceland để dự cuộc gặp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bắc cực gồm 8 quốc gia trong ngày 19-20/5.

Tại Reykjavik (thủ đô của Iceland), mọi ánh mắt sẽ dồn vào cuộc gặp giữa ông Blinken với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai cường quốc kể từ khi ông Biden lên nắm quyền vào tháng 1 năm nay.

Bắc cực là một khu vực rộng lớn với điều kiện khắc nghiệt và không thân thiện với con người, nhưng trong những năm gần đây đã trở thành khu vực cạnh tranh địa chính trị giữ các cường quốc trong Hội đồng Bắc cực (gồm Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland).

Tình trạng khí hậu toàn cầu ấm lên khiến Bắc cực trở nên dễ tiếp cận hơn, những quan tâm đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, các tuyến đường giao thông và vị trí chiến lược cũng tăng lên.

Nỗi bận tâm của Washington còn là việc Trung Quốc thèm muốn Bắc cực. Dù Trung Quốc mới là “quan sát viên” trong Hội đồng, nhưng thực tế đang muốn khẳng định mình là cưởng quốc “nửa Bắc cực”.

Dưới thời chính quyền Mỹ Donald Trump, Mỹ nỗ lực đẩy lùi điều họ coi là sự quyết liệt của Nga và Trung Quốc ở Bắc cực. Giờ đây, chính quyền Biden có vẻ tiếp tục quan tâm đến vùng này.

“Chúng tôi không nói không với tất cả hoạt động hay đầu tư của Trung Quốc ở đó, nhưng chúng tôi khẳng định phải tuân thủ các quy tắc quốc tế và các tiêu chuẩn cao”, James DeHart, điều phối viên của Mỹ về Bắc cực, nói trong cuộc họp báo gần đây.

Ông DeHart nói rằng một số hoạt động của Trung Quốc gây quan ngại cho Mỹ.

Có lẽ sứ mệnh quan trọng nhất của ông Blinken trong chuyến đi lần này là giải quyết hai vấn đề gây tranh cãi từ thời chính quyền Trump.

Vị cựu tổng thống của đảng Cộng hòa đã thúc đẩy ý tượng Mỹ sẽ mua Greenland, vùng đất nằm ở Bắc cực. Điều này khiến Đan Mạch giận dữ, tuyên bố rằng đó là một ý tưởng “tào lao” và vùng đất đó “không phải để bán”.

Người tiền nhiệm của ông Blinken là cựu ngoại trưởng Mike Pompeo đã gây xáo trộn cuộc họp của Hội đồng Bắc cực trong cuộc họp lần trước khi ông ngăn tổ chức này ra thông cáo chung vì thông cáo đó đề cập đến biến đổi khí hậu.

Ông Pompeo thậm chí nhìn ra cơ hội từ hiện tượng khí hậu ấm lên. Ông nói rằng việc băng tan từ từ đang mở ra những tuyến đường mới và tạo ra nhiều cơ hội thương mại.

Thông điệp của Mỹ thay đổi mạnh mẽ từ khi ông Biden vào Nhà Trắng. Vị tổng thống mới của Mỹ nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên là chống biến đổi khí hậu.

Lần này Hội đồng Bắc cực dự kiến sẽ ra thông cáo chung, cùng với một “kế hoạch chiến lược” chung cho 10 năm tới, bà Marcia Bernicat, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề môi trường, cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại