Cơ hội kinh tế
Theo CNN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Hai (6/5) vừa qua đã "ca ngợi" những cơ hội kinh tế tiềm ẩn tại Bắc Cực chỉ xuất hiện khi băng tan - bất chấp những lời cảnh báo về hậu quả vô cùng nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
"Bắc Cực là vùng đất hàng đầu về cơ hội và nguồn tài nguyên trù phú", ông Pompeo khẳng định trong bài phát biểu tại Rovaniemi, Phần Lan.
"Nơi này còn ẩn giấu 13% trữ lượng dầu mỏ va 30% trữ lượng khí đốt, cùng nguồn uranium, kim loại đất hiếm, vàng, kim cương chưa được khai phá của trái đất, nguồn hải sản phong phú và hàng triệu dặm vuông tài nguyên chưa được khai thác", ông Pompeo nói.
"Hiện tượng băng tan ở Bắc Cực đang mở ra những con đường mới và cả những cơ hội mới trong lĩnh vực thương mại.
[Nếu con đường xuyên Bắc Cực được mở ra] thì thời gian di chuyển giữa châu Á và phương Tây có thể giảm bớt khoảng 20 ngày.
Đường biển Bắc Cực có thể trở thành kênh đào Suez và Panama của thế kỷ 21", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Theo Chương trình Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu của Mỹ (Global Change Research Program - GCRP), việc băng tan ở các cực không chỉ khiến mực nước biển dâng, mà còn khiến cả đại dương ấm lên, và điều này càng khiến băng tan nhanh hơn nữa.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của GCRP cũng cho thấy việc băng tan sẽ khiến các bờ biển bị ăn mòn, ảnh hưởng tới sự hiện diện các loài sinh vật biển tại một số khu vực, ảnh hưởng tới sản lượng thủy, hải sản phục vụ mục đích thương mại, và ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế của các thị trấn vùng duyên hải.
Kết quả nghiên cứu kéo dài gần nửa thế kỷ qua được tạp chí Environmental Research Letters năm 2018 cho thấy hiện nay băng tại Bắc Cực và Nam cực đang tan nhanh "báo động". Trung bình mỗi giây có tới 14.000 tấn băng tan chảy và đổ ra đại dương, và tổng cộng mỗi năm có tới 666 tỉ tấn băng tan chảy tại hai cực.
Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng biến đổi khí hậu còn đe dọa các mỏ tài nguyên khoáng sản và dầu khí quan trọng ở Bắc Cực, trái với tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo về những cơ hội "hấp dẫn" tại vùng đất này.
Phần lớn bài phát biểu của ông Pompeo tập trung vào mối đe dọa của Nga và Trung Quốc trong khu vực.
"Liệu chúng ta có muốn Bắc Cực trở thành một phiên bản mới của Biển Đông, bị [Trung Quốc] quân sự hóa và nhiều nước cạnh tranh chủ quyền lãnh thổ hay không?" - ông Pompeo đặt ra câu hỏi.
Băng tan gây sóng thần ở Iceland. Video: Stephen Mantler/Hafjall/Instagram
Bảo vệ môi trường "kiểu Mỹ"
Được biết, vị Ngoại trưởng Mỹ có bài phát biểu trên chỉ một ngày sau khi Liên Hợp Quốc đưa ra cảnh báo rằng một triệu loài sinh vật trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hành động của con người, trong đó có biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phát biểu rằng ông không tin vào biến đổi khí hậu, và ông cũng không tin rằng vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của nước Mỹ. Bên cạnh đó, ông Trump còn có kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tuy nhiên dự định của ông đã bị Hạ viện Mỹ ngăn chặn.
Trong bài phát biểu tại Phần Lan, ông Pompeo cho biết Tổng thống Trump "cam kết sẽ có trách nhiệm với môi trường khi sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên", và nước Mỹ cũng đang khuyến khích người dân giảm thiểu phát thải khí CO2 và carbon đen.
"Nước Mỹ đang thực hiện việc giảm thiểu theo kiểu Mỹ: thông qua việc nghiên cứu khoa học, công nghệ, xây dựng các cơ sở hạ tầng năng lượng an toàn, tăng trưởng kinh tế, và thực hiện điều đó bằng cách không kìm hãm sự phát triển bằng những quy định nặng nề - những quy định càng gây nhiều rủi ro hơn cho môi trường", ông Pompeo nói.
"Nước Mỹ đứng trong top đầu các quốc gia quan tâm đến môi trường", vị Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Tuy nhiên ông Pompeo không hề nhắc đến cụm từ "biến đổi khí hậu" trong bài phát biểu của mình. Khi được phóng viên Phần Lan hỏi về điều này, ông Pompeo đáp: "Quan điểm của tôi và Tổng thống Trump về vấn đề này là chúng ta nên dành toàn bộ sự tập trung của mình vào kết quả".