Bắc Cực sẽ là “tia lửa” cho Thế chiến 3?

Trang Thuần |

Đầu tháng 3 sắp tới, ước tính 7.500 binh sĩ Mỹ sẽ được triển khai đến Na Uy để tham gia cùng hàng ngàn binh sĩ từ các quốc gia khác trong khối liên minh quân sự Hiệp ước bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia tập trận lớn với các “lực lượng xâm lược” tưởng tượng từ Nga.

Với tên gọi “Diễn tập Phản ứng Lạnh 2020”, lực lượng đồng minh sẽ “tiến hành cuộc tập trận chung đa quốc gia với kịch bản chiến đấu cường độ cao trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt” được tổ chức trên vùng Bắc Cực, cách xa mọi chiến trường NATO truyền thống trước đây và tăng lên một cấp độ mới khả năng xảy ra xung đột quyền lực lớn có thể kết thúc bằng cuộc đối đầu hạt nhân hủy diệt lẫn nhau.

Cuộc đối đầu giả định

Khi bắt đầu, lính thủy đánh bộ Mỹ và Anh sẽ tiến hành các cuộc đổ bộ lớn dọc theo bờ biển của Na Uy, giống như các cuộc tập trận tương tự ở những nơi khác trên thế giới.

Tuy nhiên, khi lên bờ, kịch bản trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết. Sau khi tập hợp xe tăng và vũ khí hạng nặng khác được triển khai từ trước trong hệ thống hang động ở nội địa Na Uy, lính thủy đánh bộ sẽ tiến về hạt Finnmark cực bắc của đất nước để giúp các lực lượng Na Uy ngăn chặn các lực lượng Nga được cho là tràn qua biên giới.

Bắc Cực sẽ là “tia lửa” cho Thế chiến 3? - Ảnh 1.

Sự gia tăng khai thác các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực đang khiến cho khu vực này có ý nghĩa chiến lược lớn hơn bao giờ hết.

Từ đó, hai bên bắt đầu giao chiến dữ dội trong điều kiện Bắc cực (một loại chiến tranh không được thấy trên quy mô như vậy kể từ Chiến tranh thế giới lần 2).

Khu vực Finnmark của Na Uy và lãnh thổ Nga lân cận đã trở thành một trong những chiến trường có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa NATO và Nga trong tương lai.

Bởi vì Moscow đã tập trung một phần đáng kể khả năng trả đũa hạt nhân của mình trên Bán đảo Kola, một dải đất xa xôi ở phía bắc Na Uy. Để đánh giá đúng mức độ rủi ro của bất kỳ cuộc đụng độ NATO - Nga nào ở miền cực bắc xa xôi của Na Uy, hãy xem xét địa lý của khu vực và các yếu tố chiến lược đã khiến Nga tập trung quá nhiều sức mạnh quân sự ở đó.

Và tất cả những điều này, nhân tiện, sẽ diễn ra trong bối cảnh của một mối nguy hiểm hiện thực khác: biến đổi khí hậu. Sự tan chảy băng và sự khai thác gia tăng các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực đang khiến cho khu vực này có ý nghĩa chiến lược lớn hơn bao giờ hết.

Hải quân Nga có thể vào Đại Tây Dương thông qua Biển Barents và phía bắc Na Uy. Ngoài các cảng Baltic và Biển Đen, bến cảng duy nhất của Nga có lối đi ra Đại Tây Dương nằm ởMurmansk trên Bán đảo Kola.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi cảng đó cũng là trụ sở Hạm đội phương Bắc mạnh nhất của Nga và là nơi tập trung nhiều căn cứ không quân, bộ binh, tên lửa và radar cùng với các nhà máy đóng tàu hải quân và lò phản ứng hạt nhân. Nói cách khác, đây là một trong những khu vực quân sự nhạy cảm nhất ở Nga hiện nay.

Tổng thống Putin đã xây dựng lại một cách đáng kể Hạm đội phương Bắc vốn đã rơi vào tình trạng hư hỏng sau sự tan rã của Liên Xô, trang bị một số tàu chiến tiên tiến nhất của đất nước.

Năm 2018, theo ấn phẩm “The Military Balance” của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đặt trụ sở tại London (Anh), Hạm đội sở hữu số lượng lớn tàu tuần dương và tàu khu trục hiện đại nhất so với bất kỳ hạm đội nào khác của Nga cùng với 22 tàu ngầm tấn công và nhiều tàu hỗ trợ.

Ngoài ra trong khu vực Murmansk còn có hàng chục máy bay chiến đấu MiG tiên tiến và rất nhiều hệ thống phòng không.

Cuối cùng, khi năm 2019 kết thúc, quân đội Nga lần đầu tiên triển khai các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo Kinzhal - thứ vũ khí có khả năng vận tốc siêu thanh (hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh) đến một cơ sở ở khu vực Murmansk cách Finnmark (địa điểm tập trận của NATO) chỉ khoảng 200 km! Quan trọng hơn nữa là cách Moscow tăng cường lực lượng hạt nhân trong khu vực.

Giống như Mỹ, Nga duy trì hệ thống phóng hạt nhân bộ 3 - bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), máy bay ném bom “hạng nặng” tầm xa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Theo các điều khoản của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược Mới (New START), được hai nước ký kết năm 2010, người Nga có thể triển khai không quá 700 hệ thống phóng có khả năng mang không quá 1.550 đầu đạn. (Tuy nhiên, hiệp ước đó hết hạn vào tháng 2-2021 trừ khi hai bên đồng ý gia hạn - điều này dường như ngày càng khó xảy ra trong thời đại của tổng thống Donald Trump).

Theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí (ACA, đặt trụ sở tại Mỹ), người Nga hiện được tin là đã triển khai các đầu đạn mà chúng được phép theo New START trên 66 máy bay ném bom hạng nặng, 286 ICBM và 12 tàu ngầm với 160 SLBM. Trên thực tế, 8 trong số các tàu vũ trang hạt nhân được giao cho Hạm đội phương Bắc, có nghĩa là khoảng 110 tên lửa với khoảng 500 đầu đạn hạt nhân được triển khai ở khu vực Murmansk.

Đối với các nhà chiến lược hạt nhân Nga, các tàu ngầm vũ trang hạt nhân như vậy được coi là hữu hiệu nhất trong các hệ thống trả đũa của đất nước.

Bắc Cực sẽ là “tia lửa” cho Thế chiến 3? - Ảnh 2.

Hải quân Nga có thể vào Đại Tây Dương thông qua Biển Barents và phía bắc Na Uy.

Trong trường hợp đối đầu hạt nhân với Mỹ, các máy bay ném bom và ICBM hạng nặng của Nga có thể tỏ ra tương đối dễ bị tấn công phủ đầu khi mà các địa điểm của chúng được biết đến và có thể hứng chịu bom và tên lửa của Mỹ với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Tuy nhiên, những tàu ngầm đó có thể rời Murmansk và biến mất vào Đại Tây Dương rộng lớn trước khi bắt đầu nổ ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào và do đó có lẽ tránh được con mắt gián điệp của Mỹ.

Tuy nhiên, để làm như vậy, đòi hỏi họ phải đi qua Biển Barents, tránh các lực lượng NATO ẩn nấp gần đó.

Đối với Moskva, nói cách khác, khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ phụ thuộc vào khả năng bảo vệ thành trì hải quân Nga ở Murmansk, đồng thời điều động các tàu ngầm đi qua khu vực Finnmark của Na Uy. Do đó, không có gì lạ khi khu vực này đã có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với các nhà hoạch định quân sự Nga.

Sự tăng cường quân sự của Mỹ và đồng minh

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Washington đã xem Bắc Cực là một đấu trường chiến lược quan trọng và xây dựng một chuỗi các căn cứ quân sự trên toàn khu vực.

Mục đích chính của họ: đánh chặn máy bay ném bom và tên lửa của Liên Xô băng qua Bắc Cực trên đường đến các mục tiêu ở Bắc Mỹ. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Washington đã từ bỏ nhiều căn cứ ở Bắc Cực.

Tuy nhiên, bây giờ, Lầu Năm Góc một lần nữa xác định“cuộc cạnh tranh quyền lực lớn” với Nga và Trung Quốc là đặc điểm xác định của môi trường chiến lược hiện tại, nhiều căn cứ cũ đang được tái lập cùng với những căn cứ mới được thành lập.

Bắc Cực sẽ là “tia lửa” cho Thế chiến 3? - Ảnh 3.

Mạng lưới radar giám sát của Mỹ trên đảo Vardo, Na Uy.

Một lần nữa, Bắc Cực đang được xem là nơi tiềm năng xung đột với Nga và do đó, các lực lượng Mỹ đang sẵn sàng chiến đấu ở đó. Ngoại trưởng Mike Pompeo là quan chức Mỹ đầu tiên giải thích về triển vọng chiến lược mới này tại Diễn đàn Bắc Cực (Arctic Forum) ở Phần Lan hồi tháng 5/2019.

Lầu Năm Góc không sẵn sàng cung cấp nhiều chi tiết, nhưng việc đọc kỹ báo chí quân sự cho thấy hoạt động quân sự đặc biệt tập trung vào phía bắc Na Uy và vùng biển lân cận.

Đầu tiên, lực lượng lính thủy đánh bộ thiết lập sự hiện diện thường trực ở Na Uy – đây là lần đầu tiên các lực lượng nước ngoài đóng quân ở đó kể từ khi quân đội Đức chiếm đóng Na Uy trong Chiến tranh thế giới lần 2.

Một biệt đội gồm khoảng 330 lính thủy đánh bộ ban đầu được triển khai gần cảng Trondheim vào năm 2017, có lẽ là để giúp bảo vệ các hang động gần đó có chứa hàng trăm xe tăng và xe chiến đấu của Mỹ. Hai năm sau, một nhóm có quân số tương tự được phái đến khu vực Troms phía trên Vòng Bắc Cực và gần biên giới Nga hơn rất nhiều.

Từ quan điểm của Nga, hoạt động triển khai quân đội lần này thậm chí nhiều đe dọa là việc xây dựng một trạm radar của Mỹ trên đảo Vardo của Na Uy cách bán đảo Kola khoảng 64,37km. Phối hợp hành động cùng với cơ quan tình báo Na Uy, quân đội Mỹ tập trung dò xét các tàu ngầm mang tên lửa Nga nhằm tiêu diệt chúng trong giai đoạn sớm nhất của bất kỳ cuộc xung đột nào.

Lo ngại trước cuộc tập trận mà Mỹ tổ chức tại đảo Vardo năm 2018, Moscow đã nhanh chóng gửi 11 máy bay ném bom siêu thanh Su-24 đến đảo. Ngoài ra, vào tháng 8/2018, Hải quân Mỹ quyết định kích hoạt lại Hạm đội thứ hai đã ngừng hoạt động trước đó ở Bắc Đại Tây Dương.

Đô dốc John Richardson, Trưởng phòng Điều hành Hải quân 31 của Hải quân Mỹ, phát biểu vào thời điểm đó: “Hạm đội thứ hai mới giúp tăng tính linh hoạt chiến lược của chúng ta để đối phó với các tàu từ Biển Đông đến Biển Barents”.

“Phản ứng lạnh 2020”

Dù kịch bản chính thức của cuộc diễn tập “Phản ứng lạnh 2020” là như thế nào, các nhà hoạch định Lầu Năm Góc lo ngại tình hình sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát. Bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga vào các cơ sở quân sự quan trọng của Na Uy có lẽ sẽ được bắt đầu bằng hàng loạt tấn công tên lửa và không quân dữ dội cùng với việc triển khai các tàu hải quân lớn.

Điều này sẽ thúc đẩy các động thái có thể dẫn đến các cuộc chạm trán bạo lực khủng khiếp gây thiệt hại tài sản không nhỏ cho tất cả các phía.

Lúc đó, các lực lượng trả đũa hạt nhân quan trọng của Nga sẽ gặp nguy hiểm và nhanh chóng được cảnh giác cao độ với các sĩ quan cao cấp hoạt động ở chế độ kích hoạt cao nhất. Bất kỳ bước đi sai lầm nào cũng có thể dẫn đến điều mà nhân loại đã lo sợ kể từ tháng 8-1945: ngày tận thế hạt nhân trên Trái đất.

Một cuộc tập trận tương tự diễn ra năm 2016 có sự tham gia của 3 máy bay ném bom hạt nhân B-52 của Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ cho thấy Lầu Năm Góc nhận thức sâu sắc về những rủi ro leo thang của bất kỳ cuộc đối đầu Nga - Mỹ quy mô lớn ở Bắc Cực.

Nói tóm lại, những gì có vẻ giống như một cuộc tập trận thường lệ ở một nơi xa xôi trên thế giới (được coi là một phần trong chiến lược mới của Mỹ nhằm chế ngự Nga trong khu vực phòng thủ quan trọng) có thể dễ dàng dẫn đến chiến tranh hạt nhân.

Người Nga, tất nhiên, nhận thức rõ về điều này và do đó chắc chắn sẽ đánh giá “Phản ứng lạnh 2020” với sự lo lắng thực sự. Các nhà chiến lược đã tự hỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện – hay nói cách khác là Chiến tranh thế giới lần 3 - sẽ nổ ra ở đâu và thảm khốc như thế nào.

Sau Chiến tranh Lạnh, nỗi sợ hãi về một cuộc chạm trán chết người như vậy đã tan biến và ít người nghĩ nhiều đến những khả năng như vậy.

Tuy nhiên, viễn cảnh đáng sợ về một Chiến tranh thế giới lần 3 với mức độ hủy diệt kinh hoàng của vũ khí hạt nhân lại một lần nữa trở nên quá sức tưởng tượng đối với mọi người. Và lần này, nó xuất hiện ở Bắc Cực – chỉ một sự cố nhỏ có thể là tia lửa làm bùng nổ cuộc chiến tranh hủy diệt nhân loại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại