Bắc cực 'nóng lên' từng ngày

Bình Giang |

Bắc cực được cho là dung chứa 15% trữ lượng dầu mỏ còn lại của thế giới, 30% khí ga tự nhiên. Và khi Trái đất nóng lên, băng ở Bắc cực đang tan chảy, phơi lộ một mặt trận quân sự mới giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Hải quân Mỹ đang toan tính việc triển khai máy bay săn ngầm P-8 Poseidon tới một căn cứ có từ thời chiến tranh lạnh ở Alaska trong nỗ lực đề phòng và giám sát các động thái của Nga và Trung Quốc trên Bắc cực, theo tin của Sputnik.

“Các ông bạn người Nga của chúng ta đang “làm nóng” 5 đường băng và 10.000 lính đặc nhiệm Spetsnaz (tại Bắc cực) để “tìm kiếm và cứu nạn”.

Người Trung Quốc cũng đang có mặt ở đó. Mọi người đang ở đó”, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer nói trước các nghị sỹ quốc hội tuần trước. “Mọi người, trừ chúng ta”, thượng nghị sỹ bang Alaska Dan Sullivan nói ngay.

Hôm thứ Ba vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã xác nhận thông tin về kế hoạch của Mỹ tại Bắc cực trong cuộc họp cuối năm của ban lãnh đạo bộ này. “Kể từ tháng 8, một hạm đội mới đã được hải quân Mỹ thành lập với nhiệm vụ chính là mở rộng sự hiện diện tại Bắc cực”, ông Shoigu nói.

Chuẩn đô đốc Nga Viktor Kochemazov, phụ trách huấn luyện tác chiến của Hải quân Nga nói trong năm 2017 rằng “trong tương lai, chúng ta có kế hoạch tăng cường hiện diện tại Bắc cực vì lý do an ninh quốc gia”, Sputnik tường thuật.

Washington Post cho hay ở thời điểm này, cả Hải quân lẫn Tuần duyên Hoa Kỳ đang chú tâm vào những chiến lược mới cho Bắc cực bởi theo họ, tình hình đang có những thay đổi nhanh chóng.

Hồi tháng 10, tàu sân bay Mỹ USS Harry S. Truman và đội tàu chiến hộ tống đi quanh Vòng cung Bắc cực, một hành động hiếm thấy của phía Mỹ kể từ thời Chiến tranh lạnh. Nhóm tàu tấn công này mang theo hàng ngàn thủy thủ, đã tập luyện các khoa mục trong cái lạnh cắt da thịt ở khu vực biển Na Uy, nơi cũng có các tàu ngầm Nga thường xuyên hoạt động.

“Chắc chắn là Mỹ phải tăng cường hoạt động ở Bắc cực. Không nghi ngờ gì về điều đó nữa”, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói trong chuyến thăm tới Alaska hồi tháng 6. “Nhưng một thực tế là chúng ta phải xử lý các vấn đề ở một Bắc cực “đang phát triển”.

Gần đây, Mỹ đã nâng cấp hệ thống radar trên quần đảo Aleutian ngoài khơi Alaska, được lắp đặt từ thời Chiến tranh lạnh nhằm giám sát máy bay và tên lửa đạn đạo nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ nói các radar hiện hữu không đủ năng lực cần thiết.

Mỹ đã tỏ ra sốt ruột trong lúc cả Nga lẫn Trung Quốc đều quan tâm đến nguồn tài nguyên ở Bắc cực, bao gồm năng lượng hóa thạch (dầu mỏ), kim cương và các loại kim loại như nickel và platinum.

Nga hiện có hơn 40 tàu phá băng, trong khi quân đội Mỹ chỉ có hai tàu đang hoạt động. Nga cũng đồn trú nhiều quân ở Bắc cực hơn. Trong khi đó, Trung Quốc đang đóng tàu phá băng thứ ba và tuyên bố sắp trở thành một “quốc gia Bắc cực”, theo Washington Post.

“Rõ ràng chúng ta đang theo rất sát hành động của người Nga và Trung Quốc”, phó đô đốc Linda Fagan, người chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của Tuần duyên Hoa Kỳ trên biển Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương.

“Nga đang đầu tư rất lớn cho hệ thống hạ tầng thương mại và quân sự ở Bắc cực”, phó đô đốc Fagan nói.

Hồi cuối tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói vùng Bắc cực giàu tài nguyên đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều quốc gia và cảnh báo tình hình tại đây có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự và Nga sẽ phải có bước chuẩn bị.

“Bảo vệ lợi ích của Nga ở vùng Bắc cực nằm trong số các ưu tiên hàng đầu của quân đội Nga”, ông Shoigu nói tại một hội nghị của Bộ Quốc phòng Nga, theo RT.

Ngoài Nga, theo ông Shoigu, nhiều nước đang có tàu phá băng hoạt động ở Bắc cực, ví dụ Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc "nhòm ngó" Greenland

Trung Quốc đang "nhòm ngó" Greenland như một trạm dừng chân hữu ích trên con đường tới Bắc cực, BBC cho hay. Greenland là lãnh thổ tự trị, dù trên danh nghĩa vẫn thuộc Đan Mạch.

Với 2 triệu km2 đá và băng, Greenland là vùng lãnh thổ lớn thứ 12 trên thế giới, có diện tích gấp 10 lần nước Anh, nhưng dân số chỉ khoảng 56.000 người, tương đương dân số một thị trấn của Anh.

Mỹ đang duy trì một căn cứ quân sự lớn ở đây. Hiện nay, người ngoài chỉ có thể bay đến Nuuk, thủ phủ của Greenland bằng máy bay cánh quạt cỡ nhỏ.

Nhưng chính quyền Greenland có kế hoạch làm 3 sân bay quốc tế, đủ khả năng tiếp nhận những loại máy bay chở khách cỡ lớn. Trung Quốc đang tranh thầu các dự án này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại