Chiều 19/3, VKS đã hoàn tất luận tội đối với bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Theo đó, đại diện cơ quan công tố đề nghị tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan về tội Tham ô tài sản, 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, 19- 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp mức án bị đề nghị là tử hình, thông tin trên được đăng tải trên báo Dân trí.
Theo luận tội của VKS, trong gần 2 tuần xét hỏi các bị cáo, đã chứng minh được bị cáo Trương Mỹ Lan lợi dụng việc tái cơ cấu ngân hàng, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng từng bước nắm giữ cổ phần của SCB đến hơn 91%.
Báo PL.TPHCM dẫn lời đại diện VKS cho biết, trong vụ án này bị cáo Trương Mỹ Lan là người chủ mưu, cầm đầu gây thiệt hại đặc biệt lớn là hơn 498.000 tỉ đồng (sau khi trừ đi các tài sản đảm bảo đã được Công ty định giá Hoàng Quân định giá).
Cụ thể, trong giai đoạn từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng. Đến ngày 17-10-2022 còn 1.284 khoản vay còn dư nợ 677.286 tỷ đồng; dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng SCB.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn gặp gỡ bàn bạc và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) 5,2 triệu USD, tặng quà, tiền cho các các thành viên khác trong đoàn thanh tra để che dấu thực trạng yếu kém của SCB để không đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, dữ liệu điện tử và lời khai của các bị cáo khác có đủ căn cứ để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã phạm vào tội Đưa hối lộ.
Báo Nông nghiệp Việt Nam thuật lại nội dung phần luận tội của VKS cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như có nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng, được nhiều cơ quan chức năng khác tặng bằng khen, giấy khen. Trong vụ án này, bị cáo tự nguyện dùng tài sản nhằm khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, quá trình xét hỏi, trong khi các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, thì bị cáo Lan phủ nhận cáo buộc, không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng không thao túng SCB, không chỉ đạo thành lập các công ty "ma"; không nâng khống giá trị tài sản để lấy tiền SCB, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, không ăn năn hối cải.
Bên cạnh đó, báo Công lý dẫn kết luận của VKS trong phần luận tội nêu rõ, bị cáo Trương Mỹ Lan cố ý phạm tội trong thời gian dài, thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức từ 2 lần trở lên, đây là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi. Vì vậy, cần có hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, cần loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội.
Trong 86 bị can vụ Vạn Thịnh Phát, có 13 người bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình, gồm: Bị cáo Trương Mỹ Lan và 11 đồng phạm bị truy tố về tội: "Tham ô tài sản" theo khoản 4 điều 353 bộ luật Hình sự năm 2015; bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố tội: "Nhận hối lộ" theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự.
85 bị cáo còn lại gồm: 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN); 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội: "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng".
Có 5 bị cáo là cựu lãnh đạo SCB đang bị truy nã và bị xét xử vắng mặt, gồm: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó TGĐ SCB), Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu PGĐ Chi nhánh Bến Thành - SCB).