Trong một phát ngôn gần đây, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết Vương quốc Anh sẽ gia hạn thị thực cho khoảng 350.000 người nước ngoài mang quốc tịch Anh (BNO) nếu chính quyền Bắc Kinh triển khai thực hiện luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu hành chính Hong Kong.
Ông Raab cũng cho biết thêm những quyền thị thực này sẽ được kéo dài từ 6 đến 12 tháng và có thể gia hạn, qua đó tạo ra “tiền đề” cho một số người nước ngoài có nguyện vọng trở thành công dân Anh trong tương lai gần.
Tuy nhiên, trong ngày hôm qua (29/5), Bộ Nội vụ Anh đã làm rõ vấn đề này khi thông báo các quyền lợi trên vẫn dựa trên các quy định xuất nhập cảnh hiện hành ở xứ sương mù và sẽ chỉ dành cho những người đủ điều kiện cấp BNO hiện đang sinh sống tại Hong Kong với con số lên đến 2,9 triệu người, trong đó có khoảng 2,55 triệu người dân đặc khu này đã có BNO nhưng không làm thủ tục gia hạn.
Được biết những người dân Hong Kong sinh trước năm 1997 khi chính phủ Anh dưới thời “Bà đầm thép” Margaret Thatcher trao trả đặc khu hành chính này cho phía chính phủ CHND Trung Hoa đều đủ điều kiện để Bộ Nội vụ Anh cấp BNO.
Thời khắc Hong Kong "trở về" với Trung quốc năm 1997. Ảnh: CAND.
Dự định trên của phía chính phủ Anh đã làm chính phủ Trung Quốc phẫn nộ, cùng với đó là sự phản ứng mạnh mẽ đến từ các cử tri truyền thống của đảng Bảo thủ trong các cuộc Tổng tuyển cử có quan điểm phản đối việc nhập tịch số lượng lớn cho người nước ngoài.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Zhao Lijian cho rằng chính quyền London đã vi phạm luật pháp quốc và cảnh báo sẽ có các biện pháp trả đũa nếu cần thiết và khẳng định Bắc Kinh coi các cư dân Trung Quốc sinh sống tại Hong Kong là công dân Trung Quốc và việc di dân số lượng lớn khỏi Hong Kong sau đề nghị của chính phủ Anh sẽ tạo ra những sự “bất ổn lớn” cho đặc khu hành chính này.
Mặc dù vậy, chính phủ Anh được cho là cũng chưa sẵn sàng cho viễn cảnh hàng trăm nghìn người dân Hong Kong nhập cư vào nước Anh sau khi họ đã phải rất vất vả trong vấn đề kiểm soát xuất nhập cảnh sau khi Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit)
Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh mới cho đặc khu hành chính Hong Kong trong phiên họp diễn ra vào ngày thứ 5 (28/5), trong đó dự luật mới nếu như có hiệu lực sẽ nghiêm cấm các hành động được coi là nhằm lật đổ chính quyền ở Hong Kong sau khi đã xảy ra tình trạng biểu tình chống chính phủ trong vòng nhiều tháng hồi năm ngoái.
Dự luật này đã bị chính phủ một số nước phương Tây lên án mạnh mẽ, cùng với đó Mỹ cùng với đồng minh lâu năm của mình là Vương quốc Anh đang nỗ lực đưa sự kiện này ra bàn luận tại HĐBA Liên Hiệp Quốc (UNSC), tuy nhiên đã vấp phải sự phản đối của 2 thành viên khác là Nga và chính Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel cũng đã bày tỏ những sự quan ngại sâu sắc đối với hành động này từ phía chính quyền Bắc Kinh và cho biết Vương quốc Anh sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp và tự do của người dân Hong Kong.