Nhiều công dân ở Nghệ Tĩnh và Nghệ An mất tích khi sang Anh vào thời điểm 39 người nhập cư bất hợp pháp được phát hiện tử vong trong xe container tại quốc gia này.
Nhiều người đặt câu hỏi “Vì sao không ít người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu, cho đến cả tỷ đồng cho khát vọng đổi đời nơi trời Âu.
Dám đặt cược đời mình trong tay kẻ môi giới buôn người, chấp nhận sống chui lủi như nô lệ thời hiện đại cho dù họ biết rõ điều gì đang chờ họ ở phía trước?”.
Về vấn đề này, phóng viên VOV trao đổi với bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và phát triển TP.HCM, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội.
Thưa bà, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh Châu Âu và Bỉ, bà có cảm xúc và suy nghĩ thế nào khi hay tin câu chuyện đau lòng về 39 thi thể được tìm thấy trong một container ở Anh?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Từ những năm 2001-2002, lúc đó tôi còn ở Brussels, Bỉ thì việc di cư bất hợp pháp sang Anh đã có rồi. Bây giờ có thể quy mô lớn hơn, tổ chức rõ nét hơn.
Chúng ta đang nghi vấn có một số người Việt trong số những người không may mắn chết trong thùng container. Đương nhiên cảm xúc của tôi là vừa thương nhưng vừa trách bởi có những điều đáng trách trong việc này.
Nếu kết quả xác minh ADN khẳng định đó là người Việt thì sự việc lần này theo bà có thể xem như “giọt nước tràn ly” cảnh báo tình trạng nhập cư bất hợp pháp của người Việt đã đến cấp độ nguy hiểm và khó kiểm soát ?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Nói “giọt nước tràn ly” nhưng theo tôi mô tả phải là “tảng băng nổi lên trên mặt nước” để cho mọi người ý thức đầy đủ hơn. Đó là việc lớn chứ không phải nhỏ giọt, cá biệt, riêng lẻ.
Lúc trước, tình trạng này bị nêu tên trên mặt báo Châu Âu và quốc tế chủ yếu là công dân Trung Quốc, Châu Phi, Nam Á, hay một số công dân trên vùng có chiến tranh ở Trung Đông. Bây giờ thì công dân Việt Nam lên trên mặt báo ở trang nhất.
Những hiện tượng lẻ tẻ như sang Anh để trồng cần sa, hay ở Sedney cũng có. Nhưng đến mức thành thảm kịch lên trang đầu mặt báo ở Châu Âu như thế, có lẽ bây giờ đã đến lúc cần phải xem xét lại .
Theo bà điều gì đã khiến một làn sóng người Việt sẵn sàng vay mượn, chịu chi cả trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng cho các đường dây buôn người, chấp nhận rủi ro, nguy hiểm?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Trường hợp chúng ta đề cập là do bàn tay tội phạm có tổ chức, những đường dây buôn người bất hợp pháp. Nhưng cái đáng trách của người Việt Nam là thậm chí cả gia đình tạo điều kiện cho con mình đi theo những con đường như vậy.
Về phía thanh niên thì triết lý sống là có vấn đề. Sẵn sàng chọn con đường và thuật pháp đưa đến một tình trạng “nô lệ thời hiện đại”. Nghĩa là đi làm chui cho những người trên thực tế họ bóc lột mình.
Từ hiện tượng này, phải chăng như thế là chúng ta sống trong một ảo vọng “cứ nghĩ là phải giàu nhanh; hay là phải ở nước ngoài, phương Tây thì mới đổi đời?...” Nhưng thực tế họ không tìm hiểu, trong lúc phương Tây gọi là giàu có, người ta vẫn biểu tình ầm ầm vì điều kiện sống đang khó khăn.
Theo bà, vì sao xuất khẩu lao động chui, đưa người trái phép ra nước ngoài vẫn là mảnh đất màu mỡ, khiến cho không ít người liều lĩnh, bất chấp tất cả chỉ để xuất ngoại?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi cho rằng, trong một số thanh niên, triết lý sống của họ có cái nhìn không ổn thỏa và tuổi trẻ cũng muốn mạo hiểm. Nhưng mạo hiểm một cách tử tế, hợp pháp và tại sao không chịu mạo hiểm trên chính mảnh đất của nước mình.
Cứ thích phải mạo hiểm ở xứ người mà phần lớn những người đi như vậy, ngoại ngữ, ngôn ngữ lại hầu như không có. Những người có ăn học tới nơi, tới chốn, có ngoại ngữ thì khi họ ở lại, họ ở lại một cách đàng hoàng.
Vậy theo bà, đâu là những việc cần làm ngay để kiên quyết ngăn ngừa những thảm kịch nhập cư trái phép trong tương lai?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Đối với thanh niên, gia đình, nhà trường, xã hội, các phương tiện truyền thông phải cùng nhau giúp cho thanh niên có nhân sinh quan trưởng thành hơn, tự chủ hơn.
Chừng nào có những thành phần vi phạm pháp luật, tổ chức buôn người, công ty "nửa ma, nửa thật" để lừa gạt các gia đình đưa đi gọi là lao động rồi "mang con bỏ chợ" thì các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa để trừng trị những công ty làm việc phi pháp này.
Bên cạnh đó, thời buổi này, chúng ta có quan hệ quốc tế rộng rãi với cảnh sát quốc tế như Interpol, Europol,... chúng ta phải hợp tác tích cực, chặt chẽ để phát hiện sớm và tránh để xảy ra việc đau lòng như bên Anh những ngày vừa qua.
Nhằm tránh tình trạng theo như tư duy “đi 3 ở lại 1” các gia đình phải khuyên răn con em mình không được ở lại, cứ về, nếu sau đó vẫn thích thì đi lại một cách đàng hoàng.
Chính các nước sở tại đó họ cũng nói “nếu lao động các nước sang đây, sau khi về và muốn quay trở lại tiếp thì họ đâu có cấm đoán gì”. Nhưng thay vào đó thì chúng ta ở lại một cách phi pháp. Điều này gây hại bản thân, hại gia đình ở trong nước, hại nhà nước mình.
Theo bà, chúng ta có cần mở rộng các kênh xuất khẩu lao động chính thống để những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động dễ dàng và thuận lợi hơn không?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Về vấn đề này, tôi nói ví dụ những người nghèo khó chọn đi những con đường chính thống, hợp pháp. Một là mình phải giúp họ đừng bị bóc lột bởi những công ty môi giới thiếu lương tâm.
Người ta đã nghèo lại bắt người ta nộp bao nhiêu khoản phí để đi được thì quá lớn so với thu nhập của họ. Toàn bộ khâu mà công ty môi giới làm Nhà nước cần phải rà lại, xử lý trừng trị nếu có sai phạm.
Nếu nhà nước làm một cách hiệu quả, minh bạch thì người ta đâu có muốn qua công ty nào đó, mà người ta đi chỉ vì bị dụ dỗ.
Nếu những cơ quan Nhà nước có mặt hiệu quả ở những nơi có nhu cầu về xuất khẩu lao động thì điều đó sẽ đảm bảo tránh được việc làm phi pháp. Các cơ quan chức năng cần phải có một hệ thống dịch vụ đàng hoàng, phải công khai trên các phương tiện truyền thông để ai không biết thì người khác sẽ hướng dẫn cho.
Khi mà xảy ra việc bị chủ tư nhân ở nước ngoài chèn ép công dân của mình thì các cơ quan, đại diện cần phải làm công tác bảo hộ, lãnh sự kịp thời, tích cực.
Qua đó, mới làm tăng hiệu quả của công ty xuất khẩu lao động chính thức, giúp người dân yên tâm và bớt đi con đường xuất khẩu chui.
Bên cạnh đó, cũng phải cảnh báo các gia đình, khi nhà nước đã thông báo đầy đủ, tạo điều kiện tốt hơn mà họ vẫn chọn con đường phi pháp nguy hiểm thì họ cũng đáng trách, họ cũng không được mong chờ nhà nước sẽ ra tay như với xuất khẩu hợp pháp.
Như vậy mới công bằng, sòng phẳng.
Xin cảm ơn bà./.