Sáng 12/8, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang tham gia Hội nghị Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) nhiệm kỳ 2015 – 2016.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, VKTTĐPN chiếm 8% diện tích và 17% dân số của cả nước nhưng chiếm hơn 40% GDP, đóng góp 60% ngân sách cả nước. Vùng này và nơi thu hút hơn 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Trong 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế VKTTĐPN cao hơn mức tăng trưởng cả nước 1,5 lần, có nguồn nhân lực chất lượng cao so với mặt bằng chung cả nước. Riêng TP HCM tập trung 40% tổng số cán bộ khoa học cả nước tạo ra lợi thế cạnh tranh phát triển cho cả Vùng.
Hội nghị Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại TP HCM.
Tuy nhiên, VKTTĐPN còn gặp nhiều trở ngại như mối liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa thực sự chặt chẽ và đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ và có dấu hiệu xuống cấp tại một số khu vực gây cản trở phát triển.
Ông Mai Hùng Dũng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nêu thực trạng: "Xuất khẩu của Bình Dương chiếm khoảng 12% cả nước, có nghĩa là 12% số container chạy trên đường Bình Dương.
Số hàng hóa này đổ về đâu? Nó đổ về về TP HCM chứ đâu vì Bình Dương không có cảng. Dù đã có quy hoạch rồi nhưng triển khai quá chậm".
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh lo lắng vì hiện nay giao thông kết nối giữa các tỉnh trong vùng còn nhiều tắc nghẽn, đặc biệt là khu vực các tuyến đường cửa ngõ của TP cứ ùn tắc liên tục.
Ông Vĩnh phân tích: Muốn kinh tế phát triển thì giao thông phải phát triển trước và đồng bộ chứ nếu không thì cửa ngõ TP HCM cứ tắc nghẽn hoài gây ảnh hưởng phát triển kinh tế không chỉ của TP HCM mà gây tác động đến cả Vùng.
Hàng hóa xuất nhập đi ra đi vào chậm chạp ngày nào cũng bị nghẽn khiến các doanh nghiệp ở Đồng Nai lúc nào cũng lo lắng rất nhiều, không biết hàng hóa có ra vào cảng kịp không?
Công tác lắp dầm đường sắt đô thị tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Ông Vĩnh cũng mong muốn hệ thống đường sắt đô thị của TP HCM, trước mắt là tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ kết nối với các tỉnh gần như Bình Dương và Đồng Nai.
"Có quy định về đường sắt đô thị thì địa phương nào nấy lo. Đồng Nai và Bình Dương cũng đang rất cần hệ thống này chạy đến nhưng không biết phải làm thế nào để có".
Từ Suối Tiên đến ngã ba Vũng Tàu chỉ có 4 km, song song với xa lộ Hà Nội chạy qua cả Bình Dương, Đồng Nai thì triển khai rất thuận lợi.
Đồng Nai hiện nay có hơn 3,2 triệu dân, riêng TP Biên Hòa hơn 1 triệu dân thì việc kết nối metro với nhau sẽ phát huy nhiều hiệu quả và hạn chế được nhiều phương tiện cá nhân".
Đồng quan điểm với ông Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thành Long phát biểu, trong dự thảo có đề cập tới việc xây tuyến đường sắt kết nối TP HCM – Sân bay quốc tế Long Thành thì tỉnh cũng thiết tha đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành xây thêm đoạn nối từ Long Thành ra tới TP Vũng Tàu.
"Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đưa vào hoạt động rút ngắn được một nửa thời gian đi lại giữa TP HCM với Vũng Tàu, người dân TP có thể đến đây nghỉ cuối tuần.
Nhưng sau này khi sân bay Long Thành vào hoạt động thì cao tốc này có thể xảy ra ùn tắc nên tỉnh đề nghị bổ sung đoạn kết nối đường sắt để tạo điều kiện kết nối du lịch cho cả vùng", ông Long đề nghị.