Thủ tướng May muốn tranh thủ vấn đề này để gắn kết nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền vốn bị chia rẽ bởi câu chuyện ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu trước các nghị sỹ, bà May cho rằng mối đe dọa hạt nhân không những không mất đi, mà ngày càng gia tăng, đòi hỏi Vương quốc Anh phải tăng cường sức mạnh răn đe của chính mình.
Theo bà, việc Anh từ bỏ mục tiêu nâng cấp hệ thống vũ khí hạt nhân Trident sẽ làm suy yếu đồng minh và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thủ.
Trước đó, kế hoạch đóng mới 4 tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân Trident cũng đã được ông David Cameron - người tiền nhiệm của bà May, đưa ra thảo luận tại Hạ viện, nhưng không được thông qua bởi những quan ngại về chi phí.
Chính phủ Anh lập luận rằng sức mạnh răn đe hạt nhân vẫn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đảm bảo an ninh cho đất nước, và kế hoạch đóng mới 4 tàu ngầm sẽ tạo thêm hàng nghìn việc làm.
Chỉ có một vài nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Crispin Blunt, phản đối việc nâng cấp hệ thống vũ khí hạt nhân Trident vì lý do chi phí.
Trong khi đó, Công đảng đối lập cũng bộc lộ những chia rẽ xung quanh vấn đề vũ khí hạt nhân Trident.
Ông Jeremy Corbyn, thủ lĩnh Công đảng, kịch liệt phản đối trong khi quan điểm chung của đảng này là ủng hộ việc nâng cấp hệ thống Trident.
Theo dự kiến, trong ngày 19/7, tân Thủ tướng Anh Theresa May sẽ có cuộc họp đầu tiên với các bộ trưởng cao cấp trong nội các.
Nội dung cuộc họp này sẽ thảo luận việc Anh bắt đầu tiến trình rời EU, hay còn gọi là Brexit.
Việc có tới gần 1/3 số thành viên trong nội các là những người ủng hộ Brexit, trong đó có nhiều người giữ các chức vụ quan trọng, sẽ tạo thuận lợi cho bà May thực hiện nguyện vọng của đa số cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 vừa qua./.