Theo báo cáo mới được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 4,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tính lũy kế đến ngày 20/3, cả nước có 36.881 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 444,1 tỷ USD.
Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 278,3 tỷ USD, bằng gần 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Cũng tính tới 20/3, cơ quan này ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 4,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 2,7 điểm phần trăm so với 02 tháng đầu năm 2023.
Nếu xét theo địa bàn đầu tư thì các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước trong ba tháng đầu năm 2023. Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD, chiếm gần 20,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Đồng Nai xếp thứ hai với 18 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 607 triệu USD, chiếm hơn 11,1% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (41,4%), số lượt dự án điều chỉnh (15,8%) và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (66,6%).
Ba tháng đầu năm 2023, Đồng Nai xếp thứ hai với 18 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 607 triệu USD, chiếm hơn 11,1% tổng vốn đầu tư cả nước. Ảnh: Báo Đồng Nai.
Hồi năm ngoái, theo tài liệu của Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đến ngày 20/12/2022 đạt khoảng 1.141,47 triệu USD, bằng 93,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 1.219,9 triệu USD).
Trong đó, cấp mới 48 dự án với tổng vốn đăng ký 491,54 triệu USD, so với cùng kỳ bằng 90,6% về số dự án và tăng 27,9% về vốn đăng ký. Có 92 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 649,93 triệu USD, so với cùng kỳ bằng 84,4% số dự án và bằng 77,8% về vốn bổ sung. Như vậy cả số dự án và số vốn đăng ký đều giảm so cùng kỳ. Nguyên nhân do ảnh hưởng của kinh tế thế giới sụt giảm, đã ảnh hưởng đến làn sóng đầu tư vào các nước.
Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 15/12/2022 có 4.066 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 72,2% so cùng kỳ, với số vốn đăng ký là 30.854 tỷ đồng, bằng 66,6% so cùng kỳ. Có 901 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung 36.745 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/12/2022 có 518 doanh nghiệp giải thể (tăng 58,6%) và có 690 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động (tăng 63%); 1.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 66,1%). Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh kém hiệu quả và thu hẹp lại mô hình sản xuất.
Năm 2022: GRDP Đồng Nai đứng thứ 4/63 tỉnh, thành
Còn theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, dự ước tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 233.979,73 tỷ đồng, tăng 9,22% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%; Công nghiệp - xây dựng tăng 9,06%; Dịch vụ tăng 13,08% và Thuế sản phẩm tăng 6,26%. Mức tăng trưởng năm 2022 vượt mục tiêu đề ra (Mục tiêu 6,5-7%).
Nếu so với các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, thì mức tăng của Đồng Nai năm 2022 thấp hơn mức tăng trưởng của tỉnh Tây Ninh (+9,56%), nhưng cao hơn TP Hồ Chí Minh (+9,03%), Bình Dương (+8,01%), Bà Rịa - Vũng Tàu (+7,15%) Bình Phước (+8,4%). Trong khi đó về quy mô GRDP thì Đồng Nai đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố, sau TP HCM, Hà Nội và Bình Dương. Mức tăng trưởng của Đồng Nai như trên đã góp phần vào tăng trưởng của cả nước.
Mức tăng GRDP của Đồng Nai năm 2022 cao hơn TP Hồ Chí Minh.
Với mức tăng 9,22% tổng sản phẩm trên địa bàn thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 0,40 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,06%, đóng góp 5,26 điểm phần trăm, trong đó công nghiệp tăng 7,99% và đóng góp 4,31 điểm phần trăm.
Nguyên nhân tăng trưởng GDRP năm 2022 đạt cao là do năm 2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tăng rất thấp, chỉ đạt 2,77%; bước sang năm 2022 tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát,sản xuất công nghiệp phục hồi khá nhanh; ngay những tháng đầu năm các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; thị trường xuất khẩu có thuận lợi, hợp đồng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng khá, thị trường trong nước phục hồi rõ nét, các hoạt động thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí, vận tải đã từng bước hoạt động bình thường trở lại.
Ngoài ra, do thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt… nên một số ngành sản xuất kinh doanh giá trị tăng thêm tăng khá so cùng kỳ như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%, sản xuất điện tăng 8,26%; hoạt động xây dựng tăng 23,28%, bán buôn, bán lẻ tăng 8,36%, hoạt động vận tải tăng gần 32%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 29,96%...