Tàu hải quân Trung Quốc thăm cảng Quốc tế
Theo tin cho biết, 3 tàu chiến này đều thuộc biên chế của Hạm đội Đông Hải, Điều đáng chú ý, hạm đội Đông Hải không phải hạm đội chuyên trách hoạt động Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) của hải quân Trung Quốc mà chủ yếu phục trách vùng biển tiếp giáp Nhật Bản và Đài Loan.
Tin cho biết, biên đội tàu chiến của Trung Quốc bao gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa Type 054A là 529 Châu Sơn và 531 Tương Đàm cùng tàu bổ trợ hậu cần Type 903A mang số hiệu 890 Sào Hồ. Đoàn bao gồm 750 sĩ quan và thủy thủ đoàn, do Tham mưu trưởng hạm đội Đông Hải dẫn đầu.
Được biết, 3 tàu này thuộc biên đội tàu hộ hàng số 23 của Trung Quốc, vừa hoàn thành đợt hộ tống hàng hải kéo dài gần 4 tháng ở khu vực vịnh Aden của Somalia. Sau khi được biên đội số 24 thay thế, biên đội này trên đường hành trình về nước đã ghé thăm hàng loạt quốc gia Đông Nam Á.
Trước khi đến Việt Nam, các tàu này cũng đã ghé thăm Myanmar, Malaysia và Campuchia trên đường về nước trong chuyến hải hành bốn tháng ở Vịnh Aden,
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Hải quân Trung Quốc đến cảng Quốc tế Cam Ranh, trong bối cảnh trước đó, các tàu chiến của hải quân Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Pháp… cũng từng thăm cảng chiến lược nằm ở miền Trung của Việt Nam.
Mới đây nhất là hồi đầu tháng này, khu trục hạm USS John S. McCaine và tàu tiếp liệu USS Frank Cable của Hải quân Hoa Kỳ cũng đã tới thăm cảng Cam Ranh. Đây là lần đầu tiên các tàu chiến Mỹ trở lại cảng này sau hơn 4 thập kỷ rời khỏi Miền Nam Việt Nam.
Tàu bổ trợ hậu cần Type 903A mang số hiệu 890 Sào Hồ (trái)
Theo quy định, các tàu nước ngoài có thể vào neo đậu và sử dụng dịch vụ hậu cần, kỹ thuật ở cảng quốc tế Cam Ranh.
Cảng quốc tế Cam Ranh được Việt Nam khánh thành vào hồi tháng 3 năm nay, với số vốn đầu tư 2 nghìn tỷ đồng, với tiêu chí “phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự”, “vừa phát triển kinh tế, và vừa tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế”.
Vị thế Cam Ranh
Gìn giữ hòa bình, ổn định trên Biển Đông
Cùng với vịnh Subic của Philippines, Cam Ranh là một trong những vịnh chiến lược quan trọng nhất châu Á. Bán đảo Cam Ranh chạy từ Bắc xuống Nam và được bao quanh bởi các dãy núi cao khoảng 400 mét, biến quân cảng này trở thành một cảng nước sâu kín đáo.
Căn cứ trong vịnh Cam Ranh cách không xa quần đảo Trường Sa (khoảng 460 km), cách eo biển Malacca - tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Biển Đông với Biển Andaman (nằm giữa Myanmar, Thái Lan và Indonesia), sang Ấn Độ Dương là khoảng gần 1500km.
Ở vịnh Cam Ranh còn có thể cho phép triển khai hệ thống giám sát điện tử dân dụng và quân sự, không chỉ có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông, mà còn đủ khả năng vươn tới khu vực Bắc Ấn Độ Dương, vịnh Persian, biển Hoa Đông.
Ngoài mục đích quân sự và kinh tế, Cảng dịch vụ quốc tế Cam Ranh còn có vai trò khác. Sự ra đời của cảng dịch vụ này sẽ làm tăng tình hữu nghị giữa Hải quân Việt Nam và hải quân các nước trên thế giới, cũng như góp phần làm giảm căng thẳng tiềm tàng trong khu vực.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông đang diễn biến phức tạp, việc Việt Nam mở cửa cho các chiến hạm thế giới vào Cam Ranh, là phương án sáng suốt, có thể giúp kiềm chế các hành động manh động của “những cái đầu nóng”.
Chứng thực quan điểm đối ngoại đúng đắn của Việt Nam
Từ trước đến nay, Việt Nam luôn nhất quán thực thi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên các nguyên tắc “không liên minh quân sự, không liên kết với nước nào để chống lại nước thứ 3 và cũng không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam”.