Ba tàu sân bay Mỹ đang làm gì ở Thái Bình Dương?

Anh Minh |

Việc triển khai cùng lúc ba tàu sân bay 100.000 tấn của Hải quân Mỹ tới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau nhiều năm đã dẫn đến phản ứng nhanh chóng từ Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc nói Bắc Kinh sẽ không lùi bước để bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực.

Theo CNN, các tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đều đang tuần tra ở phía tây Thái Bình Dương, trong khi USS Nimitz ở phía đông, theo thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ.

Với mỗi tàu chứa hơn 60 máy bay, đây là lần triển khai tàu sân bay Mỹ lớn nhất ở Thái Bình Dương kể từ năm 2017 - khi căng thẳng với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đang ở đỉnh điểm.

"Các tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh hải quân Mỹ. Tôi thực sự rất phấn khích vì hiện tại chúng tôi có ba tàu trong số đó", Chuẩn đô đốc Stephen Koehler, chủ nhiệm tác chiến của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, có trụ sở ở Hawaii, nói với AP.

Hôm Chủ nhật, Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc nói các tàu sân bay có thể đe dọa lực lượng Trung Quốc ở Biển Đông.

"Bằng cách tập trung các tàu sân bay này, Mỹ đang cố gắng chứng minh cho cả khu vực và thậm chí cả thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất, khi họ có thể tiến vào Biển Đông và đe dọa quân đội Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa Trường Sa) cũng như các tàu thuyền đi qua vùng biển gần đó, để Mỹ có thể thực hiện chính trị bá quyền của mình ", Hoàn cầu dẫn lời Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh.

Bản tin - được đăng trên trang web tiếng Anh chính thức của Quân đội Trung Quốc (PLA) - cũng nhấn mạnh các vũ khí có sẵn trong tay PLA, đồng thời nói Bắc Kinh có thể tổ chức các cuộc tập trận để phô diễn sức mạnh hỏa lực của mình.

"Trung Quốc sở hữu vũ khí sát thủ đối với hàng không mẫu hạm như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26", bản tin viết.

Việc triển khai ba tàu sân bay lần này có nghĩa là ba trong số bảy tàu sân bay đang hoạt động của Hải quân Mỹ đang ở Thái Bình Dương. Bốn tàu còn lại đang ở cảng để bảo trì.

Collin Koh, chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Singapore, nói Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ vì sự hiện diện của các tàu sân bay mâu thuẫn với sự miêu tả của Bắc Kinh về Hải quân Mỹ như một lực lượng bị tê liệt bởi đại dịch coronavirus.

"Nó đi ngược lại câu chuyện mà Trung Quốc muốn đưa ra rằng Mỹ đang bị căng thẳng ở Thái Bình Dương", ông Koh nói.

Trong thực tế, tàu Roosevelt đã trở lại đại dương vào ngày 4/6 sau khi trải qua nhiều tuần tại cảng ở Guam sau khi bùng phát dịch coronavirus trên tàu hồi tháng 3, khi hơn 1.000 thuyền viên trong số gần 4.900 thủy thủ của tàu có kết quả dương tính.

"Chúng tôi đã đưa tàu Theodore Roosevelt trở lại biển như một biểu tượng của hy vọng và cảm hứng, và là công cụ của sức mạnh quốc gia", chỉ huy tàu Roosevelt, thuyền trưởng Carlos Sardiello, nói trong một tuyên bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại