Quan chức cấp cao U Win Htein của NLD xác nhận cuộc phẫu thuật diễn ra tại một bệnh viện ở thủ đô Naypyidaw – Myanmar. Theo bác sĩ Tin Myo Win, bà Suu Kyi sẽ phẫu thuật mắt còn lại trong tháng này.
Các cuộc phẫu thuật được thực hiện nhân kỳ nghỉ lễ năm mới kéo dài 10 ngày ở Myanmar, bắt đầu từ ngày 11-4.
Hôm 5-4, Hạ viện Myanmar bỏ phiếu nhất trí bầu thủ lĩnh NLD vào vị trí “cố vấn nhà nước” (tương đương chức thủ tướng). Đồng thời, bà sẽ nắm quyền Ngoại trưởng và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng bà Suu Kyi mới là người nắm thực quyền lãnh đạo đất nước chứ không phải tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, trợ lý thân cận của bà một thời.
Hôm 8-4, 113 tù nhân chính trị trên cả nước Myanmar được ân xá, theo quyết định của bà Suu Kyi.
Báo Global New Light of Myanmar dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết số tù nhân này được ân xá trước lễ hội năm mới truyền thống của Myanmar.
Đây được xem là nhiệm vụ đầu tiên của bà Suu Kyi trên cương vị cố vấn nhà nước.
Trong một tuyên bố trên trang Facebook của Văn phòng Tổng thống Htin Kyaw, bà Suu Kyi nói rằng thả tù nhân chính trị là nhiệm vụ được ưu tiên.
Nhà nghiên cứu Myanmar của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) Laura Haigh cho hay hầu hết tù nhân đều là sinh viên biểu tình.
Ước tính có 100 tù nhân chính trị ngồi tù vào thời điểm chính phủ của NLD lên nắm quyền vào cuối tháng trước.
Khoảng 400 người khác bị giam giữ chờ ngày xét xử, trong đó có 60 sinh viên ở thị trấn Tharrawaddy bị bắt vì tham gia biểu tình phản đối những thay đổi trong chính sách giáo dục. 60 người này đã được thả hôm 8-4.
Các tổ chức nhân quyền ủng hộ hành động ân xá nhưng đồng thời lên án vụ 2 nhà hoạt động vì hòa bình bị kết án 2 năm tù khổ sai cũng trong ngày 8-4.
Cả 2 người bị cáo buộc dính dáng tới một nhóm phiến quân vũ trang chống chính quyền trong nhiều năm qua.
Theo hãng tin AP, 2 nhà hoạt động được xác định là Zaw Zaw Latt và Pwint Phyu Latt, bị tòa án TP Mandalay xét xử và kết tội.
Họ là thành viên của một tổ chức tôn giáo và đều theo đạo Hồi. Tôn giáo thiểu số này luôn bị Phật giáo chiếm đại đa số ở Myanmar áp đảo.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khen ngợi chính phủ Myanmar đang làm đúng cam kết nhân quyền của mình, đồng thời lưu ý Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Myanmar thực hiện cải cách dân chủ nhiều hơn nữa.
Bà Suu Kyi từng bị chính quyền quân sự quản thúc nhiều năm, trong khi hàng trăm người ủng hộ bà và các nhà phê bình khác bị tống giam.