Ngày mai 1/3, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đặng Thị Hàn Ni (46 tuổi) và Trần Văn Sỹ (66 tuổi) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Phiên tòa do thẩm phán Ngô Ngọc Thắng làm Chủ tọa. Có 6 luật sư đăng ký bào chữa cho ông Trần Văn Sỹ, 4 luật sư bào chữa cho bà Hàn Ni.
Để phục vụ việc xét xử, tòa triệu tập Nguyễn Phương Hằng (53 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam), ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam) đến tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, theo báo Pháp luật TP.HCM, trước khi phiên tòa trên diễn ra, phía bà Nguyễn Phương Hằng xin vắng mặt tại phiên tòa. Hiện bà Hằng đang chấp hành án ba năm tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại Trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương. Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt từ ngày 24/3/2022.
Tiền Phong dẫn thông tin từ kết luận điều tra bổ sung mới nhất cho biết, vợ chồng bà Hằng, ông Dũng, Công ty Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu không có yêu cầu bồi thường đối với bị can Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ. Trong khi trước đó, bà Hằng yêu cầu 2 người này bồi thường thiệt hại số tiền 300 - 500 tỷ đồng do đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại kinh tế.
Theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, cựu nhà báo Đặng Thị Hàn Ni dùng tài khoản YouTube và Facebook với tên "Nhà Báo Hàn Ni" để chiếu video và bình luận chứa thông tin được coi là bí mật cá nhân, bí mật gia đình và thông tin riêng tư của bị can Nguyễn Phương Hằng.
Khi được thẩm vấn tại cơ quan công an, bà Đặng Thị Hàn Ni thừa nhận rằng các thông tin đề cập đến cuộc sống riêng tư của bị can Nguyễn Phương Hằng dựa trên một số thông tin và nội dung từ các bài báo đã công bố.
Cơ quan công an xác định, bà Đặng Thị Hàn Ni đã đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật, vi phạm điểm d, khoản 1, điều 17 Luật An ninh mạng.
Về phía luật sư Trần Văn Sỹ, ông này đã đăng tải 8 video trên kênh Youtube mang tên "LS Trần Văn Sỹ" với các nội dung như: hoạt động của Công ty CP Đại Nam liên quan đến chống rửa tiền, việc chính quyền tỉnh Bình Dương đối xử với Công ty CP Đại Nam, hành vi của Nguyễn Phương Hằng sử dụng chất kích thích, và thất bại của Huỳnh Uy Dũng,...
Những video này được xác định là chứa thông tin không chính xác, gây rối loạn dư luận, và xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của Công ty cổ phần Đại Nam cũng như danh dự và nhân phẩm của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Sỹ có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần Đại Nam, vi phạm Luật An ninh mạng.
Tổng hợp