Từ trước đến nay, ai cũng biết tiếng Việt nằm trong top khó phát âm nhất thế giới bởi sự đặc trưng thanh điệu, cấu trúc câu thay đổi hết sức linh hoạt. Bên cạnh đó, nếu chịu tìm hiểu từ thời ông bà ngày xưa thì độ khó của phát âm còn được nâng lên tầng cao mới đấy!
Mới đây, một 1 cô bạn đã chia sẻ mẩu chuyện thú vị với bà của mình. Bình thường cô bạn luôn phát âm từ "túy" thành "tờ - uy - tuy sắc túy". Thì lần này liền bị bà sửa lại phát âm thành "tê - uy - i cờ rét - tuy sắc túy".
Tuy kết quả vẫn đọc là "tuy sắc túy" nhưng rõ ràng cách phát âm giữa 2 thế hệ bà - cháu đã đem lại sự khác biệt rõ rệt.
Cách phát âm từ "túy" siêu khó từ thời ông bà chúng ta (Nguồn: Lê Phương Anh 326)
Qua video có thể thấy điểm khác biệt trong cách phát âm giữa bà và cô cháu gái nằm ở chữ "t" và "y":
- Như chữ "t" thời nay đọc là "tờ", thì ngày xưa sẽ phát âm là "tê".
- Nếu hiện tại, chữ "y" chỉ được phát âm đơn giản là "i", cách nhận diện là "i dài" thì ngày xưa, chữ cái này được phát âm là "i cờ rét".
Sự khác biệt này khiến nhiều bạn trẻ thích thú với cách phát âm thời xưa và thắc mắc: Tại sao lại phát âm y thành "i cờ rét", một cách đọc khiến không ít người ngắc ngứ? Thực tế, theo Pháp Việt từ điển của tác giả Đào Duy Anh, "cờ rét" là cách phiên âm từ tiếng Pháp: "Grec: Thuộc về Hy Lạp".
Hiểu rằng, y nằm trong bản văn mẫu tự của người Hy Lạp, người Việt vay mượn trong quá trình ghi âm và gọi y thành "i cờ rét".
Phát âm chữ y thành "i cờ rét" theo kiểu ngày xưa (Ảnh: Internet)
Thực tế, không chỉ phát âm các chữ cái khác nhau mà ngày xưa, cách đánh vần cũng dài và có nhiều điểm khác biệt so với hiện tại.
Ví dụ: "da" ngày xưa sẽ được đánh vần "a dê - dê a da", thì ngày nay được phát âm thành "dờ a da".
Hay: "huyền" ngày xưa được đánh vần "hát - u - hu - i cờ rét - huy - ê - huyê - en - huyên - huyền - huyền", thì ngày nay được phát âm thành "hờ - u - i - ê - huyê - huyên - huyền - huyền".
Thế mới thấy, qua mỗi thời đại thì cách phát âm tiếng Việt sẽ khác nhau. Dưới phần bình luận, các bạn trẻ không khỏi bái phục trước trí nhớ siêu đỉnh của bà cụ 76 tuổi, mà còn hài hước chia sẻ nếu sinh ra từ thời ông bà thì sẽ bị điểm kém môn tiếng Việt mất.