Trong cuộc họp với lãnh đạo UBND TP HCM sáng nay (10/4), bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCGL, HoSE: QCG), cho biết công ty có 12 dự án tổng diện tích trên 150 ha đang ách tắc.
Diện tích này, theo bà Loan, không phải có nguồn gốc đất công mà chủ yếu là đất nông nghiệp doanh nghiệp tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân.
Trong số này, chủ tịch QCGL chỉ ra 1 dự án nhỏ nhất có diện tích 3.000 m2 trên đất ở gây cho bà nhiều "bức xúc". Bà cho biết dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 11/2017, có giá trị thời hạn 12 tháng. Đến tháng 10/2018, Sở Xây dựng trình Ủy ban chấp thuận đầu tư, duyệt xong quy hoạch tỷ lệ 1/500, tất cả đầy đủ, "không sai bất cứ dấu phẩy".
Tuy nhiên, bà Loan nói khi trình Ủy ban thì chuyên viên trả về vì văn bản Sở Xây dựng ghi "cơ bản hoàn thành" mà không khẳng định "hoàn thành".
"Chỉ vì một câu chữ mà từ tháng 11/2017 đến nay, tất cả bị ách tắc. Sở phải yêu cầu doanh nghiệp quay lại từ đầu, duyệt 1/2000 trong lúc chúng tôi đã được duyệt đồ án 1/500. Sau đó chúng tôi phải trình lại chấp thuận chủ trương, coi như phải làm lại 100%, trở về con số 0", bà Loan cho hay.
Chủ tịch QCGL cho biết sau đó đến tháng 11/2018, ông Trần Trọng Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố, tổ chức cuộc họp, đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc ra văn bản phối hợp quận 7 bổ sung dự án trên vào quy hoạch vì đã duyệt 1/500.
Đại diện QCGL nói suốt 2 tháng ròng hoàn thiện hồ sơ, tới tháng 12 trình về Sở Quy hoạch Kiến trúc quy hoạch 1/2000. Nhưng 4 tháng qua, Sở cũng không trình được Ủy ban để phê duyệt 1/2000 vì nhiều lý do quan ngại. Vì vậy, bà đặt câu hỏi dự án này bao giờ mới được thực hiện.
Cùng với ý kiến của bà Loan, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra các quan điểm, kiến nghị đề nghị lãnh đạo thành phố tháo gỡ các vướng mắc và ách tắc.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đề nghị thành phố công khai danh sách 124 dự án trong diện bị tạm ngừng được tiếp tục triển khai. Việc này giúp các chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các Sở, ngành để hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng, tiếp tục thực hiện dự án và người mua nhà yên tâm.
Hiệp hội nhận thấy quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm, không có lợi cho cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản.
Phản hồi ý kiến của bà Nguyễn Thị Như Loan, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM nói đã có văn bản báo cáo thành phố, đăng ký xin được Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp.
Theo vị đại diện, nội dung này "hơi phức tạp" do việc kết nối làm việc trước đây có sự vênh, cần báo cáo UBND TP có chỉ đạo. Về thời gian 4 tháng như bà Loan phản ánh, đại diện Sở giải thích có quy trình lập đồ án, phải trình tiếp nối mới giải quyết được. Đại diện Sở xin nhận thiếu sót về thời gian giải quyết "không đến nơi".