Con gái để con lại cho bà, bỏ đi biệt xứ
Những ngày này, bà Lê Thị Tèo (67 tuổi, ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) đang dự định đưa đứa cháu ngoại tên Trần Khánh Huyền (sinh năm 2020) vào trại trẻ mồ côi. Huyền là cháu ngoại thứ 4 của bà Tèo, bé gái xinh xắn chịu cảnh thiệt thòi từ nhỏ.
Bà Tèo tâm sự, bà và chồng có cuộc hôn nhân không hạnh phúc nên đường ai nấy đi. Bà sinh được 2 người con, 1 trai, 1 gái. Năm 20 tuổi, con gái bà Tèo có con với một người đàn ông, kết quả của mối tình thời trẻ dại.
Sau khi sinh một bé trai, con gái bà Tèo để con ở nhà cho mẹ rồi đi làm ăn xa. Tuy nhiên, người phụ nữ này không gửi tiền về để nuôi con. Một tay bà Tèo chăm sóc, nuôi dưỡng, cố gắng bao bọc cháu cả về vật chất lẫn tinh thần. Cháu được hơn 9 tháng tuổi, bà cho cháu đi học mầm non, đến năm 3 tuổi thì kiệt quệ quá, không còn khả năng nuôi dưỡng nữa. Bà đành gửi cháu vào một trung tâm chăm sóc trẻ em không nơi nương tựa.
Thời gian đầu, cứ 2 tuần bà sang thăm cháu một lần. Nhưng dần dần, điều kiện lẫn sức khỏe đều không được tốt, bà chỉ đón cháu về vào dịp Tết và nghỉ hè.
Con gái bà Tèo sau này kết hôn với một người đàn ông quê ở Nghệ An, lần lượt sinh được 3 bé gái. Bà Tèo đã từng mừng thầm vì cuối cùng, con gái cũng đã tìm được bến đỗ cuộc đời. Thế nhưng ai ương lại ập đến, con rể bà Tèo qua đời sau một vụ tai nạn, để lại vợ con bơ vơ. Các cháu của bà lại ly tán, hai chị gái của Huyền ở với ông bà nội, còn Huyền được mẹ gửi cho bà Tèo.
Ngày kiếm vài chục nghìn, phải nuôi con trai thất nghiệp
Những năm qua, bà Tèo cũng cố gắng nuôi dưỡng cháu, nhưng đến giờ, bà không thể đảm đương được nữa. Gần đây, Huyền đã nghỉ học mẫu giáo do bà không có tiền đóng học phí.
Hàng ngày, bà Tèo mưu sinh bằng nghề thu mua sắt vụn, quần áo cũ. Bà đi mua những bao tải quần áo thanh lý về, cái còn đẹp thì bán cho người cần, còn lại bán theo cân với giá 2 nghìn đồng/kg cho người ta làm giẻ lau. Mỗi ngày, bà Tèo phải dậy từ tờ mờ sáng, vất vả nhưng thu thập chẳng được bao nhiêu, vì hiện giờ, quần áo rẻ, hàng thanh lý nhiều nên việc buôn bán khó khăn hơn.
Mỗi ngày, bà kiếm được 30 - 50 nghìn đồng, cũng có ngày chỉ được 10 nghìn đồng. Thu nhập bếp bênh nhưng cả gia đình mấy miệng ăn đều trông vào công việc này của bà.
Phải đưa cháu vào trại trẻ mồ côi, người làm bà như bà Tèo cũng đau xót vô cùng, nhưng hoàn cảnh nhiều nỗi trớ trêu. Con trai của bà lập gia đình rồi cũng ly hôn, trở về sống với mẹ. Anh này không có công ăn việc làm nên bà Tèo phải nuôi.
Hiện tại, nếu chỉ việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho cháu thì bà Tèo vẫn lo được. Nhưng tuổi ngày càng cao, sức khỏe ngày càng giảm sút, điều bà lo lắng nhất là không thể dạy dỗ cháu nên người.
“Bây giờ tôi nhiều tuổi rồi, không lo nổi việc học hành của cháu. Vì muốn cháu nên người nên tôi muốn cho cháu vào trại trẻ mồ côi để cháu được học hành, biết chữ, sau này tự nuôi sống được bản thân mình”, bà Tèo nói, đôi mắt ầng ậng nước.
Biết hoàn cảnh của bà cháu bà Tèo, ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện nhóm nhà hảo tâm cho biết tới đây, ông cùng các nhà hảo tâm sẽ phối hợp với bà Tèo để đưa Huyền vào một trung tâm bảo trợ trẻ em uy tín trên địa bàn Hà Nội. Hy vọng cháu sẽ đỡ thiệt thòi, được đi học, tương lai trở thành người có ích cho xã hội.
Nguồn: VTC Now, Phụ nữ Việt Nam