Cô H.N.N (44 tuổi, ở Đắk Lắk) là một ca bệnh điển hình rối loạn thích ứng đang điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).
TS.BS Dương Minh Tâm – Đơn nguyên Điều trị Rối loạn liên quan stress và Tình dục cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân khá đặc biệt, bị rối loạn thích ứng và bệnh nhân đã điều trị lần thứ 2 tại viện.
Theo chồng cô N, từ khi cháu ngoại chào đời, thói quen sinh hoạt bị thay đổi, cộng thêm một số vấn đề khác xảy ra đã khiến cô N đổ bệnh.
Trước khi con gái lấy chồng và sinh con, cô N vẫn khỏe mạnh, hoạt bát. Ban ngày làm việc bình thường, tối đến đi thể dục đến 9-10 giờ tối là đi ngủ.
Tuy nhiên, từ thời điểm con gái 19 tuổi lấy chồng rồi sinh con (ở cùng vợ chồng cô N), cô N phải trông cháu. Việc chăm cháu đã phá vỡ nếp sinh hoạt trước kia của cô N.
Vào buổi đêm, khi nghe thấy cháu khóc, cô N lại bật dậy chạy sang phòng con để bế bồng cháu. Liên tục vài tháng như vậy khiến cô N bị mất ngủ, người mệt mỏi nhưng cô không chia sẻ với ai.
Khi con rể quyết định đưa vợ ra Bắc sinh sống cùng gia đình chồng, cô N lại càng thêm ủ rũ. Cô N nghĩ ngợi nhiều, sợ con gái không chăm được cháu. Cô N mất ngủ nặng kèm theo lo lắng nên đã phải đi khám.
"Bệnh nhân N bị rối loạn thích ứng rất điển hình, tuy nhiên nếu không chú ý, chúng ta rất dễ bị nhầm lần với trầm cảm, stress thông thường. Do vậy, việc khai thác kỹ tiền sử, biết được nguyên nhân dẫn tới bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị", bác sĩ Tâm nói.
Với trường hợp của cô N, để điều trị hiệu quả ngoài dùng thuốc thì chồng của cô N cũng cần phải động viên vợ thường xuyên. Ngoài ra, con gái và con rể cũng cần phải thường xuyên chia sẻ, thông báo với bệnh nhân biết tình trạng của đứa cháu.
Triệu chứng rối loạn thích ứng
Rối loạn sự thích ứng và stress có liên quan đến nhau nhưng cũng rất khác nhau.
Các triệu chứng của rối loạn sự thích ứng bắt đầu trong vòng 3 tháng kể từ khi tác nhân gây căng thẳng xuất hiện.
Còn stress được xem là yếu tố tác động trực tiếp đến rối loạn sự thích ứng. Nếu không có stress thì rối loạn này sẽ không xảy ra.
"Điểm khác nhau giữa stress và rối loạn thích ứng là: stress không xác định được tác nhân gây căng thẳng; còn rối loạn thích ứng lại xác định được nguyên nhân", bác sĩ Tâm nói.
Ví dụ như trường hợp bệnh nhân N, có hai yếu tố tác động đến bệnh nhân đó là cháu ngoại chào đời làm thay đổi thói quen sinh hoạt vốn đã tồn tại rất lâu và cháu ngoại chuyển về quê nội khiến cho bệnh nhân suy nghĩ nhiều. Chính những yếu tố đó đã gây sang chấn, làm cho bệnh nhân rối loạn sự thích ứng.
Bệnh lý rối loạn sự thích ứng thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tác nhân gây sang chấn và các triệu chứng chiếm ưu thế. Hầu hết trường hợp rối loạn sự thích ứng tự khỏi trong vòng 6 tháng kể từ khi xảy ra sang chấn. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây hậu quả lâu dài như mất ngủ, cách ly xã hội, xung đột hôn nhân hoặc gia đình, suy giảm khả năng làm việc, nghiện rượu, sử dụng ma túy, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, tự hủy hoại, có ý tưởng và hành vi tự sát.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo khi có các biểu hiện lâm sàng của bệnh, mọi người cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Theo đó, các triệu chứng cần lưu ý bao gồm:
- Giảm khả năng tập trung và suy nghĩ;
- Mệt mỏi, mất ngủ;
- Thay đổi vị giác;
- Có hành vi tự sát;
- Lo âu, hồi hộp, vã mồ hôi, khó thở;
- Thường xuyên cáu giận, đổ lỗi cho người khác, có thái độ hận thù...
Hiện tại, tâm lý trị liệu vẫn là cách điều trị được lựa chọn cho những người mắc rối loạn sự thích ứng.