Tên gọi “Sài Gòn” được sử dụng trong tên gọi, tên giao dịch của nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP HCM. Nhiều cái tên trở thành thương hiệu trị giá hàng triệu USD, chiếm lĩnh thị phần trong nước.
Trong lĩnh vực ngân hàng thương mại, có ít 3 ngân hàng đang mang “Sài Gòn” trong tên chính thức. Trong đó có một ngân hàng từ Sài Gòn xuất hiện trong logo, các ngân hàng còn lại từ Sài Gòn được viết tắt.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank)
Sacombank được thành lập năm 1991.
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (tên giao dịch: Sacombank, HoSE: STB) được thành lập vào năm 1991. Theo đó, đây một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên được thành lập tại TP HCM với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Năm 1996, đây là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu đại chúng với mệnh giá 200.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 71 tỷ đồng với gần 9.000 cổ đông tham gia góp vốn.
Vào năm 2006, Sacombank là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam tiên phong niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) với tổng số vốn niêm yết là 1.900 tỷ đồng. Trong tháng 5/2009, cổ phiếu STB của Sacombank được vinh danh là một trong 19 cổ phiếu vàng của Việt Nam. Năm 2012, STB nằm trong nhóm cổ phiếu VN30 của HoSE.
Đến năm 2012, Sacombank có vốn điều lệ là 14.176 tỷ đồng, được coi là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ và hệ thống chi nhánh lớn nhất Việt Nam. Đến nay, vốn điều lệ của Sacombank là hơn 18.852 tỷ đồng. Sacombank thực hiện sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015, trở thành ngân hàng lớn thứ 5 trong hệ thống.
Trong báo cáo tài chính quý 4/2022, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cho biết lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm. Riêng trong quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần tăng trưởng 142%.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB)
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hiện nay được hợp nhất từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank),
Ngày 26/12/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp giấy phép số 283/GP-NHNN về việc thành lập và hoạt động Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Ngân hàng TMCP Sài Gòn (ngân hàng hợp nhất) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2012. Đây được xem như một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của cả ba ngân hàng, đánh dấu sự thay đổi toàn diện về quy mô tổng tài sản, mạng lưới, công nghệ và nhân sự…
Riêng SCB (cũ, trước khi sáp nhập), tiền thân là Ngân hàng TMCP Quế Đô, được thành lập năm 1992. Ngày 8/4/2003, chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Sài gòn (SCB). SCB là một trong những ngân hàng TMCP hoạt động có hiệu quả trong hệ thống tài chính Việt Nam. Hồi 2010, vốn điều lệ đạt hơn 4.184 tỷ đồng. Hồi tháng 9/2011, tổng tài sản của SCB đạt 77.985 tỷ đồng.
Theo bản tự giới thiệu của SCB, tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của SCB đạt 567.913 tỷ đồng, tăng trưởng 58.960 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 11,6% so với cuối năm 2018, duy trì vị thế là ngân hàng dẫn đầu về tổng tài sản trong nhóm ngân hàng có gốc ngoài quốc doanh. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong năm 2019 của SCB đạt 1.420 tỷ đồng, tốc độ tăng 33,5% so với năm 2018.
Hiện nay, hội sở của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đặt trên đường Nguyễn Huệ, một trong những con đường trung tâm “đắt đỏ” bậc nhất TP HCM. Vốn điều lệ tại ngày 30/6/2021 của ngân hàng này là 20.020 tỷ đồng. Mạng lưới phòng giao dịch, chi nhánh của SCB phủ khá rộng; nhất là tại TP HCM với hơn 100 điểm giao dịch.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank)
Saigonbank được thành lập năm 1987, lên sàn ngày 15/10/2020.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank, UPCoM: SGB) là ngân hàng cổ phần Việt Nam đầu tiên được thành lập trong hệ thống ngân hàng cổ phần tại Việt Nam hiện nay, ra đời ngày 16/10/1987, trước khi có Luật Công ty và Pháp lệnh Ngân hàng. Vốn điều lệ ban đầu là 650 triệu đồng.
SGB niêm yết ngày 15/10/2020, thị giá đầu tiên là 15.500 đồng/cổ phiếu. Công ty trải qua xấp xỉ 10 lần tăng vốn điều lệ từ 650 triệu đồng (ban đầu) lên 1.500 tỷ đồng vào năm 2009. Hiện nay, vốn điều lệ của Saigonbank là 3.080 tỷ đồng.
Theo báo cáo quản trị năm 2022 của Ngân hàng Sài Gòn Công thương, các tổ chức đang nắm trên 5% vốn điều lệ của ngân hàng này gồm có Văn phòng Thành ủy TP HCM, Công ty TNNH Một thành viên Dầu khí TP HCM, Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Thương Mại Kỳ Hòa và Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận
Trong báo cáo tài chính quý 4/2022, Saigonbank cho biết mức lợi nhuận trước thuế quý cuối năm chỉ đạt 1 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập lãi thuần và lãi từ hoạt động dịch vụ, từ kinh doanh ngoại hối ghi đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, lãi từ hoạt động kinh doanh khác của Saigonbank trong quý 4/2022 giảm hơn một nửa, chỉ thu về 13 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 237 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và vượt 25% kế hoạch năm (190 tỷ đồng). Thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính của ngân hàng, mang về 875 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 38% và 20%.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm 24% và 97% so với năm ngoái. Trong năm 2022, Saigonbank tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro. Cụ thể, ngân hàng đã trích hơn 250 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 61% so với cùng kỳ.
Các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được Saigonbank quản lý và tuân thủ chặt chẽ. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 15,06%, cao hơn so với quy định; tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi chiếm 77,21%, đáp ứng đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.