​Ba năm, loại 471 dự án thủy điện khỏi quy hoạch

VIỄN SỰ |

Đây là con số được Chính phủ nêu trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 2 - khóa XIV về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Cụ thể, trong 3 năm qua, cơ quan chức năng loại 471 dự án thủy điện khỏi quy hoạch.

Bao gồm 8 dự án thủy điện bậc thang (655 MW) và 463 dự án thủy điện nhỏ (1.404,68 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch dự án ưu tiên khác.

Đồng thời, cũng đã không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện (349,61 MW).

Chính phủ cũng cho biết hiện cả nước có 306 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy trên 15.474 MW đang vận hành phát điện; 193 dự án đang thi công xây dựng với tổng công suất hơn 5.662 MW; 245 dự án đang nghiên cứu đầu tư có tổng công suất là 3.006 MW; còn lại 59 dự án có quy mô nhỏ, đang được rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác có liên quan.

Đối với quy hoạch thủy điện nhỏ, đã có 245 công trình vận hành phát điện, đang thi công 162 dự án; còn 230 dự án đang nghiên cứu đầu tư và chưa cấp phép 56 dự án khác.

Báo cáo về công tác rà soát sai phạm, Chính phủ cho biết vừa qua các đoàn công tác kiểm tra chất lượng công trình thủy điện của Bộ Công thương tại các địa phương đã phát hiện nhiều sai phạm trong tuân thủ quy định về quản lý chất lượng xây dựng, quy trình vận hành hồ chứa, cơi nới đập…

Cụ thể, hai dự án thủy điện Sập Việt (Sơn La) đã bị đoàn công tác lập biên bản, yêu cầu tạm dừng thi công.

Yêu cầu đập bỏ, khôi phục nguyên hiện trạng dự án thủy điện Suối Sập 3 (tỉnh Sơn La). Đề nghị tạm dừng thi công với dự án thủy điện Đại Bình (Lâm Đồng)…

Chính phủ cũng đánh giá việc phân cấp để quản lý chất lượng công trình thủy điện còn một số bất cập.

Đó là tình trạng các sở công thương chưa có hoặc có ít cán bộ có chuyên môn cần thiết liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng như: thủy lợi, thủy điện, xây dựng, giao thông...

Việc phối hợp giữa sở công thương hoặc chủ đầu tư dự án thủy điện vừa và nhỏ (chủ yếu là doanh nghiệp ngoài nhà nước) với các chuyên gia hoặc đơn vị tư vấn để thẩm tra, thẩm định thiết kế công trình cũng được cho là còn hạn chế, bất cập.

Còn nhiều bất cập trong quản lý, vận hành đập

Đây là đánh giá của Chính phủ được nêu trong báo cáo. Các bất cập được nêu lên là: một số quy định về quản lý an toàn đập hiện không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; đa số cán bộ làm công tác quản lý an toàn đập tại các địa phương không có chuyên môn về xây dựng, thủy lợi...

Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc hướng dẫn các chủ đập xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du, phương án bảo vệ đập, cắm mốc giới xác định phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập... và tổ chức phê duyệt các phương án này.

Một số chủ đầu tư nhà máy thủy điện chưa thực hiện đầy đủ các quy định, phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập chưa cập nhật các quy định của Nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại