Đi siêu thị hạn chế dùng túi nilon đã là câu chuyện "xưa như Trái đất" và ở rất nhiều nơi trên thế giới, người dân cũng ý thức được việc bảo vệ môi trường nên có những biện pháp như thay thế bằng túi sinh học có thể phân hủy thân thiện với môi trường , sử dụng làn đi chợ có thể dùng nhiều lần, túi giấy...
Ở Trung Quốc cũng vậy, nhiều siêu thị đã áp dụng biện pháp nhằm hạn chế dùng túi nilon. Một bà mẹ Việt hiện đang sống ở ngoại ô thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã gặp tình huống "dở khóc dở cười" với túi nilion khi đi siêu thị.
Trên tài khoản TikTok @nga.tut (Mẹ Shyn), chị Nga, một phụ nữ gốc Lạng Sơn, lấy chồng ở Trung Quốc, đã kể câu chuyện hài hước mà chị gặp phải khi đi siêu thị.
Chị cho biết: "Ở siêu thị gần nhà mình, đi siêu thị muốn lấy túi để đựng đồ mua mang về thì phải bỏ tiền ra. Mỗi chiếc túi có giá 0,2 NDT (tương đương 681 VNĐ)".
Mỗi lần đi siêu thị, chị Nga phải trả cả tiền túi đựng.
Dù chỉ là số tiền rất nhỏ thôi nhưng đó là cách siêu thị khuyến khích người dân hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, tác động xấu đến môi trường.
Nếu không muốn bỏ tiền ra mua túi thì người mua có thể lĩnh các túi miễn phí (túi sinh học tự phân hủy) từ những chiếc cây nhả túi tương tự như máy bán hàng tự động. Tất nhiên, chị Nga cũng muốn sử dụng túi thân thiện với môi trường nhưng gặp phải rắc rối.
Chị kể: "Không biết với mọi người ra sao nhưng với mình thì thao tác để lấy túi rất là phức tạp. Thực sự mình chưa bao giờ lĩnh được túi miễn phí từ cái máy này. Trong siêu thị rất nhiều máy phát túi bảo vệ môi trường, mà mình quét rất nhiều lần mã QR rồi, cũng làm theo quy trình nhưng nó không ra túi. Thế mới nực cười chứ.
Có máy phát túi miễn phí nhưng chị Nga "số nhọ" không bao giờ lấy được.
Tại Trung Quốc, siêu thị thực hiện mua túi như vậy để nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. Từ năm 2015, mình đi thực tập ở Quảng Tây thì đã thấy một vài nơi thu tiền túi rồi. Thế nên có thể thấy phương pháp này đã được áp dụng từ rất lâu rồi.
Ở siêu thị này, mình để ý thấy người mua đa số là người già. Họ thường đem túi vải từ ở nhà đi, vừa tiện lợi vì đeo luôn ở tay mà lại góp phần bảo vệ môi trường".
Không chỉ đi siêu thị, chị Nga còn rất thích mua đồ ăn ở chợ địa phương. Trong một video khác, chị cho cư dân mạng thấy cảnh chợ "cóc" bày bán hàng hóa ở lề đường. Điều chị thích là những đồ bày bán ở đây hầu hết là của nhà trồng được. Người dân không ăn hết nên mới mang đi bán và không khí chợ quê rất giống ở Việt Nam.
Khi đến hàng bán củ sen, chị Nga kể: "Mình mua của bác này rất nhiều lần rồi nên lần nào mua bác ấy cũng cho thêm một ít. Bác ấy rất thân thiện vì biết mình là người nước ngoài".
Chị Nga cho biết những người bán hàng ở đây rất thân thiện.
Chị Nga mua 3 củ sen nhưng chỉ mất 12.000 VNĐ. Đi chợ nhỏ như thế này chị thường phải mang theo tiền mặt vì các ông bà bán hàng không có mã QR để thanh toán. Chị Nga kể thúc buổi đi chợ bằng câu nói: "Anh bán thịt lợn biết mình là người Việt Nam nên mỗi lần mình mua anh ấy đều cho thêm một ít, không bao giờ có chuyện chặt chém gì cả. Hoặc là anh ấy sẽ giảm cho mình 1-2 NDT".
Đó là điều chị thấy "khoái" nhất khi đi chợ ở đây.
Nguồn: Tổng hợp