"Nuôi hai đứa con ăn học, 1 đứa lớp 6, một đứa lớp 8. Muốn cho con ăn học đầy đủ, vậy mà nhìn học phí hàng tháng là thấy stress" - Đây là tâm sự của một bà mẹ ở TP.HCM thu hút sự chú ý.
Với tiêu đề "khủng hoảng tài chính vì tiền học của con", chia sẻ của chị nhận về nhiều sự đồng cảm. Người mẹ cho biết bản thân mình rất mệt mỏi bởi hai vợ chồng làm công ăn lương, lương "3 cọc, 3 đồng". Hàng tháng đối mặt với bao chi phí, nhiều lúc chỉ muốn buông xuôi cho xong, nhưng nghĩ đến con nên đành phải cắn răng cố gắng.
"Quanh năm suốt tháng đều nợ nần chồng chất" , chị cho hay.
Công việc khó khăn, thu nhập giảm, trong khi đó, tiền ăn học của các con lại chiếm phần lớn khoản thu nhập. Học hành cho con trở thành vấn đề đau đầu nhất của nhiều gia đình hiện nay. Trên những hội nhóm, thỉnh thoảng lại có phụ huynh than vãn gánh nặng tiền học của con như bà mẹ nói trên.
Tuy nhiên, nhìn vào bảng liệt kê tiền học của con chị, có thể thấy, khoản chi "mạnh tay" dẫn tới chi phí đội lên hàng tháng chính là "học thêm".
Cụ thể, tiền học thêm Toán 2 buổi/tuần 800 ngàn đồng x 2 bé. Tiền học thêm Anh văn 2 buổi/tuần, từ 1,2 triệu đồng đến 1,44 triệu đồng. Tiền học thêm Lý 2 buổi/tuần 800 ngàn đồng cho bé lớn. Tiền học thêm Văn 2 buổi/tuần 800 ngàn đồng x 2 bé. Học phí trên trường một bé 2,8 triệu.
Tổng cộng, riêng số tiền chi cho học hành của gia đình này đã lên tới hơn 12 triệu đồng. Số tiền này không quá lớn đối với những gia đình có điều kiện cho con học trường tư, trường quốc tế, nhưng với những gia đình làm công ăn lương bình thường rõ ràng là một con số không hề dễ chịu.
"Tuần có 7 ngày thì học thêm 8 buổi. Con cũng áp lực chứ đừng nói là phụ huynh"
Dưới bài đăng, nhiều người cũng cho biết, con mình một tháng phải tốn trên dưới chục triệu tiền học ở trường và học thêm. Theo lý giải của những phụ huynh này, biết rằng học thêm nhiều sẽ vất vả nhưng "con người ta học, chẳng lẽ con mình lại không". Chưa kể, thời gian học ở trường có hạn, nếu không học thêm con sẽ rất khó nắm bắt hết kiến thức. Lâu dài sẽ thụt lùi, dẫn tới chán học, buông xuôi.
"Nếu không đăng ký cho con học đủ các lớp, tôi cảm thấy mình không phải là người mẹ tốt. Trước kia thành tích học tập không tốt thì mới phải học thêm, nhưng bây giờ dù thành tích học tập có tốt hay không thì cũng phải đi học mới theo kịp bạn bè và thi đỗ trường tốt", một tài khoản tên Minh Hương nói.
Có ý kiến nhận định, những người nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục là tương đối may mắn. Những người không nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục về cơ bản đã từ bỏ khả năng tương lai của con cái họ.
"Mười năm nữa, khi con tôi lớn lên, những đứa trẻ khác sẽ biết piano, hội họa, nhưng con tôi chẳng giỏi gì cả. Tôi phải làm sao đây? Nếu đứa trẻ trách móc tôi và nói rằng tôi không phải là cha mẹ tốt thì phải làm sao?", một bà mẹ nói. Theo quan điểm của chị, đầu tư số tiền lương mỗi tháng vào giáo dục cho con là điều bình thường: "Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là mọi thứ tốt nhất phải dành cho trẻ em".
Không để con mình bị thời đại bỏ lại phía sau đã trở thành nguyện vọng chung của các bậc cha mẹ này. Với những phụ huynh này, đầu tư kiến thức, đầu tư tri thức là khoản đầu tư không bao giờ thừa không bao giờ lỗ. Họ động viên nhau cố gắng tiết kiệm chi tiêu, làm thêm việc bán thời gian để con có thể theo đuổi việc học lâu dài.
Tuy nhiên, người khác lại cho rằng, bảng sao kê tiền học của bà mẹ nói trên có vấn đề ở chỗ: Tuần có 7 ngày thì học thêm 8 buổi. Con cũng áp lực chứ đừng nói là phụ huynh. Đây là học cho cha mẹ chứ không phải cho con cái, bởi chúng không còn thời gian đâu để vui chơi, giải trí nữa.
Ý kiến này cho rằng, muốn có tương lai thì phải đầu tư cho giáo dục, nhưng muốn hiệu quả thì cần nghĩ cách đầu tư đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm. Mỗi ngày có 24 giờ, con trẻ đang học chính, học thêm bao nhiêu giờ. Chúng được ngủ, vận động, lao động, giải trí, tự do học, làm việc chúng thích bao nhiêu giờ mỗi ngày? Chưa kể, việc cố gắng chi phần lớn tiền của cho con học thêm có thể khiến gia đình mệt mỏi.
Một số gợi ý, hiện nay có nhiều chương trình học online chi phí thấp, cha mẹ có thể tham khảo để bớt gánh nặng tài chính.
Bên cạnh đó, việc học thêm các môn như ngoại ngữ, Toán tư duy, các môn khoa học, nghệ thuật, kỹ năng sống… là nhu cầu chính đáng từ học sinh. Khi việc học thêm được trở về đúng với bản chất của nó, được xuất phát từ nhu cầu của người học, vì sự phát triển của người học và hoàn toàn dựa trên nhu cầu này thì không có ý nghĩa tiêu cực.
Cách học thêm hiệu quả nhất là lắng nghe nhu cầu - ý kiến của chính con em mình, cho trẻ được trải nghiệm, tham khảo cách tổ chức của nhà trường nơi cho con học chứ không phải chạy theo số đông, học trước chương trình, nhồi nhét, gây quá tải. Về lâu dài, việc học đa dạng kiến thức, kỹ năng góp phần nâng tầm học sinh, nâng cao chất lượng nhân lực trong tương lai. Nhưng trước tiên, khi cho trẻ được trải nghiệm nhiều điều từ chính sở thích, sự tò mò, đam mê của trẻ là chúng ta đang giải quyết vấn đề cốt lõi, đó là sự lớn lên, trưởng thành của mỗi học sinh từ trên ghế nhà trường.
Như một chuyên gia nói: "Việc chúng ta tìm đến những lựa chọn giáo dục rẻ hơn không có nghĩa là chúng ta đã hy sinh tương lai của con cái mình. Phần lớn sự thành công của con cái là dựa trên sự quan tâm và sự gương mẫu của cha mẹ, chứ không phải là do bỏ thật nhiều tiền cho con học trường nọ lớp kia. Cha mẹ dành thời gian cho con, sống đúng mực, luôn cố gắng để con noi theo sẽ là nền tảng giao dục quan trọng nhất cho con cái. Nếu điều kiện tài chính của gia đình không đủ học trường tư, cha mẹ hoàn toàn có thể bổ sung kiến thức tiếng Anh và xã hội cho con cái bằng các con đường khác".