Sự nề nếp và tính kỷ luật đáng nể của trẻ em Nhật
Một trong những hiểu lầm lớn nhất khi tôi chuyển đến Nhật Bản là quan điểm rằng trẻ nhỏ ở đất nước này có tính kỷ luật cao ngay từ khi sinh ra.
Tôi tưởng tượng ra những "cỗ người máy" bé nhỏ, biết nghe lời cha mẹ với thái độ tôn trọng, yên lặng thực hiện mọi quy định với ý thức và sự tuân thủ theo bản năng.
Từ những chuyến đi đầu tiên của tôi bằng tàu ở Nhật Bản, quan điểm của tôi có vẻ khá chính xác.
Những đứa trẻ Nhật, thậm chí nhiều đứa nhỏ hơn cậu con trai 2 tuổi của tôi ngồi im và yên lặng trên ghế tàu, trong khi con trai tôi coi không gian chật chội trên tàu như sân khấu biểu diễn của riêng mình: nhảy nhót, tung tăng, nghịch ngợm, cười đùa với người lạ, có nhiều hành vi lạ lùng.
Khi tôi nhỏ giọng trách mắng con, những bà mẹ người Nhật vẫn duy trì được bình tĩnh và con của họ vẫn ngồi bên cạnh một cách ngoan ngoãn.
Những "cỗ người máy" bé nhỏ, biết nghe lời cha mẹ với thái độ tôn trọng, yên lặng thực hiện mọi quy định với ý thức và sự tuân thủ theo bản năng (Ảnh minh họa).
Chính xác thì hành vi của con trai tôi không hề xấu. Văn hóa đã tạo nên sự khác biệt giữa cách cư xử mà con trai tôi được kỳ vọng và cách ứng xử mà trẻ em Nhật Bản đồng trang lứa được giáo dục.
Tôi bắt đầu phân vân: Các gia đình Nhật Bản đã dạy con trẻ như thế nào và trẻ em Nhật cư xử tốt ra sao?
Trẻ em Nhật cũng trải qua các giai đoạn "khủng hoảng" như biết bao đứa trẻ khác
Việc thấy một đứa trẻ Nhật cáu kỉnh ở nơi công cộng trở thành một niềm an ủi với các bà mẹ nước ngoài khác mỗi khi chúng tôi đưa con đến công viên và bảo tàng. Con ai cũng vậy mà thôi. Đứa trẻ nào cũng trải qua những giai đoạn "khủng hoảng".
Nhưng các bậc phụ huynh Nhật Bản dường như không hề can thiệp vào tình cảnh đó. Đứa trẻ sẽ ngồi trên mặt đất, khóc lóc và la hét ở sân chơi hoặc công viên và cha mẹ dường như chẳng hề bận tâm. Liệu có phải đây chính là bí quyết của cha mẹ Nhật?
Các bậc phụ huynh Nhật Bản dường như không hề can thiệp vào tình cảnh trẻ khóc lóc, ăn vạ... (Ảnh minh họa)
Trong một lần đi trên chuyến tàu từ Shinjuku đến Yamanote, con trai tôi đã lên cơn ăn vạ bởi nó không muốn đi chuyến tàu đó về nhà. Nó làm đủ mọi cách để xuống tàu trong khi chuyến tàu chuẩn bị chuyển bánh.
Tôi thì đang đang bận bế cô con gái mới chào đời. Trong hoàn cảnh đó, tôi đã hoàn toàn bất lực và chúng tôi gần như “đuổi” hết hành khách trên một toa tàu xuống. Tôi nói lời xin lỗi tới tất cả những hành khách can đảm còn lại vẫn ngồi trên tàu.
Lúc ấy, tôi tha thiết mong muốn ai đó sẽ lên tiếng – bởi chẳng biện pháp kỷ luật con nào của tôi hiệu quả.
Tôi đã chia sẻ chuyện này với giáo viên tiếng Nhật của mình và cô ấy cũng đồng ý rằng “Ma no nisai - đó là tuổi ẩm ương, tuổi khủng hoảng”. Nhưng khi tôi hỏi cô về cách giải quyết của người Nhật Bản với “tuổi ẩm ương” đó, cô ấy chỉ cười.
Cha mẹ Nhật không bao giờ quát mắng, kỷ luật trẻ ở chỗ đông người
Một ngày, tôi phát hiện ra vì sao tôi không bao giờ thấy một đứa trẻ Nhật Bản bị phạt. Một ngày khác, trên một chuyến tàu đông đúc khác và lần này là một đứa trẻ khác giận dỗi với việc về nhà.
Ông bố nhanh chóng kéo cả gia đình xuống khỏi tàu và khi cửa đóng và đoàn tàu lao đi, tôi thấy ông bố đó quỳ xuống trên sân ga vắng vẻ trước đứa con chưa ngoan và bắt đầu mắng. Đó thực sự là một phát hiện mới.
Không chỉ giữ thể diện cho trẻ mà phạt trẻ ở nơi riêng tư cũng thể hiện lòng tự trọng của cha mẹ. (Ảnh minh họa).
Khi tôi vẫn chú tâm vào việc ngăn cản hành vi xấu của trẻ khi chúng phát sinh, trong khi đó cha mẹ Nhật thường chờ đợi đến thời điểm riêng tư để nói về vấn đề đó.
Tôi bắt đầu bắt gặp cảnh tượng này mọi nơi – các ông bố bà mẹ cúi xuống sau cột ở ga tàu, ở hàng rào công viên, nói chuyện một cách nghiêm túc với trẻ.
Không chỉ giữ thể diện cho trẻ mà phạt trẻ ở nơi riêng tư cũng thể hiện lòng tự trọng của cha mẹ.
Trong tiếng Nhật, phạt là shisuke – từ này có thể được dịch thành giáo dục và nuôi dưỡng. Tôi đánh giá cao ý tưởng giáo dục trong đó. Các bậc phụ huynh được kỳ vọng là tấm gương tốt cho trẻ học tập. Chính vì vậy, cha mẹ Nhật đã rất kiên trì dạy con tính kỉ luật từ nhỏ.
Cha mẹ Nhật chỉ phạt vì hành vi, không phải phạt trẻ
Trên thực tế, người Nhật vẫn có những biện pháp cực đoan để phạt trẻ.
Một gia đình Nhật Bản từng bị truyền thông thế giới chú ý khi đứa con 7 tuổi của họ đi lạc trong vùng nông thôn có gấu sinh sống ở Hokkaido sau khi họ “đuổi” cậu bé ra khỏi ô tô và lái xe về để phạt cậu bé vì hành vi chưa ngoan.
Khi họ quay lại trong một vài phút sau đó, cậu bé đã biến mất (và ơn trời đã được tìm thấy, mặc dù sau một vài ngày hoảng loạn). Các nhà tâm lý học trẻ nhỏ trên thế giới dường như đồng ý rằng cha mẹ tốt nhất nên phạt hành vi của trẻ - chứ không phải đứa trẻ.
Các nhà tâm lý học trẻ nhỏ trên thế giới dường như đồng ý rằng cha mẹ tốt nhất nên phạt hành vi của trẻ - chứ không phải đứa trẻ. (Ảnh minh họa)
Trọng tâm giáo dục trẻ trên danh nghĩa phạt trẻ - dạy trẻ cách cư xử đúng mực bằng cách làm gương cho trẻ và khắc phục sai lầm của trẻ ở nơi riêng tư khi chúng phát sinh – cũng được chứng minh khi tôi đến thăm con trai ở nhà trẻ.
Học sinh tuân thủ một thời gian biểu nghiêm ngặt, các bài hát, trò chơi được áp dụng lặp lại nhiều lần và các cách cư xử lịch sự như xếp giày ngay ngắn và ngồi giữ trật tự được thực hiện nhiều lần đến khi chúng trở thành thói quen của trẻ.
Nhưng cuối cùng, tất cả chúng ta đều chỉ áp dụng những biện pháp có hiệu quả. Một buổi chiều đầy nắng khi tôi đến đón con ở nhà trẻ, cô giáo gọi tôi lại sau giờ học.
Nhờ một người bạn dịch giúp, cô giáo nói với tôi rằng cô gặp khó khăn khi giáo dục cậu con trai 2 tuổi của tôi ngày hôm đó.
Cô không biết cách giải thích để yêu cầu thằng bé dừng lại và thằng bé hiểu nhầm lời nhắc nhở của cô giáo thành một trò chơi mới, bắt trước cô giáo khi cô đang cố nhắc nhở thằng bé.
Cuối cùng, cô nói, cô đã mắng thằng bé như cách mà tôi đã làm. Tôi có một chút kinh ngạc và xấu hổ. Tôi hỏi: “Tôi mắng thằng bé như thế nào?”. Cô ấy mô tả, cô gọi tên thằng bé và cảnh cáo thằng bé với lời lẽ gằn giọng – đúng như cách tôi mắng con khi mất hết kiên nhẫn.
Cô ấy nói rằng “Cách ấy thật sự có tác dụng”. Đến lúc này, tôi đã thực sự cảm thấy xấu hổ vì cách hành xử thiếu kiên nhẫn của mình với con cái lại chính là dạy con một lối sống thô lỗ.
Dạy con là cả một quá trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và cách làm gương từ chính những người làm cha, làm mẹ.
Kate Lewis là một cây viết và tác giả tiểu thuyết tự do đang sinh sống ở Nhật Bản cùng gia đình. Cô ủng hộ "chủ nghĩa xê dịch" và luôn đưa các con cùng đi khám giá thế giới bằng tàu.
Gia đình cô đã thích ứng được cuộc sống ở Nhật Bản và cô đang cố gắng học tiếng Nhật, thấm nhuần văn hóa đất nước này.
Cô đã chia sẻ chi tiết chuyến thám hiểm đất nước Nhật Bản cùng cậu con trai 2 tuổi và cô con gái út trên một trang blog cá nhân dưới con mắt của một người phương Tây.