5 giờ sáng trên dãy Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) trời tối đen như mực. Mùa đông tháng 10, mức nhiệt giảm chỉ còn 7 - 8 độ khiến đôi bàn tay chị Dương Thị Kim Cảnh tê buốt, lạnh cóng. Chị Cảnh cõng con trên lưng, một tay đỡ người con, tay còn lại cầm điện thoại soi đèn. Leo chừng 30 phút, chị hụt hơi do sáng sớm chưa có gì vào bụng. Bà mẹ người Dao mệt nhoài, cẩn thận hạ con xuống. Thấy con khóc ré lên, chị lấy sữa cho uống rồi lại cõng con leo tiếp.
6 giờ 10 phút, hai mẹ con hoàn thành xong chặng đường đến đỉnh Chiêu Lầu Thi. Xung quanh mịt mù, sương lạnh buốt, chỉ có hai mẹ con chị Cảnh. Đợi mãi không "săn" được mây, chị lại địu con xuống, tiếp tục phượt xuyên Hà Giang - Mèo Vạc - Cao Bằng trong 11 ngày tiếp theo. Đó là hành trình đầu tiên của chị Kim Cảnh với cậu con trai 18 tháng.
Hai mẹ con chị Cảnh "săn mây" trên nóc nhà Đông Bắc
Chị Dương Thị Kim Cảnh (37 tuổi) là dân tộc Dao, hiện đang sinh sống ở bản làng người đồng bào Dao ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Bà mẹ đơn thân trước đây từng dạy tiểu học. Từ năm 2018, chị Cảnh bỏ nghề để theo đông y, học Y học cổ truyền.
Trước khi đưa con trai đi phượt, chị Cảnh từng có nhiều kinh nghiệm phượt xuyên Việt. Đam mê "xê dịch" ngấm sâu vào máu, bà mẹ người Dao lên kế hoạch cho con đi phượt từ khi còn đang trong thai kỳ. Một hành trình được chị phác họa rất rõ ràng, khi bé cai sữa, hai mẹ con sẽ khởi hành chuyến đầu tiên.
"Bản thân mình là mẹ đơn thân, con lại là con trai nên mình muốn con phải khỏe mạnh, cứng cáp. Việc đi phượt sẽ giúp con thích ứng với mọi thay đổi của môi trường và các điều kiện thời tiết khác nhau", chị Cảnh nói.
Cu Giàng đã đồng hành cùng mẹ trên khắp các con đường đi lấy thuốc, hái lá rừng từ khi còn nhỏ nên có phần dạn dĩ, hiếu động.
Trước mỗi chuyến đi, bà mẹ người Dao đều trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng sinh tồn. Trong chuyến "phượt" Hà Giang lần đầu, chị Cảnh cùng con ngủ khách sạn, bungalow và nhà bạn bè. Cu Giàng về nhà an toàn, không ốm, không sốt, ăn ngủ khỏe mạnh.
Chị Cảnh và con mắc võng, ngủ trong lều mỗi chuyến đi
Khởi đầu suôn sẻ, 2 tháng sau, chị Cảnh lên kế hoạch đi Tây Bắc khi con trai tròn 20 tháng tuổi. Mùng 10 tết, bà mẹ người Dao chuẩn bị xong xuôi hành lý, cột chặt phía sau xe máy. Chuyến đi du xuân của hai mẹ con với đích đến mục tiêu là "cực Tây" A Pa Chải.
A Pa Chải được coi là mốc khó chinh phục vì đường lên khó khăn, du khách phải đi bộ vài cây số đường bê tông nhỏ, dốc và leo 500 bậc thang mới tới. Chuyến đi không có sự cố gì đáng kể, hai mẹ con vẫn khỏe mạnh, háo hức. Cho đến lúc về, chị Cảnh bị "mắc kẹt" ở Sapa vì không khí lạnh tràn xuống. Thời tiết chỉ còn 0 đến 3 độ, mây mù, mưa phùn giăng kín nên chị không dám đưa con đi tiếp về Y Tý - Bắc Hà theo kế hoạch. Hai mẹ con ở lại Sapa 3 đêm rồi quay về nhà.
"Từ nhỏ con đã được nuôi và dạy để trở thành 1 chàng trai độc lập nên đã biết tự xúc ăn. Đi tới nơi, con gặp và giao tiếp nhiều người nên rắn rỏi và mạnh dạn hơn rất nhiều. Bé tương tác với mẹ và mọi người rất tốt. Cả 2 chuyến Đông Bắc và Tây Bắc, cu Giàng đều khỏe mạnh mặc dù mình đi chuyển bằng xe máy trên đường đèo dốc, rất lạnh. Bé ăn ngon, ngủ ngoan, không quấy khóc", chị Cảnh chia sẻ.
Cu Giàng khỏe mạnh, ngoan ngoãn, không quấy khóc khi đi cùng mẹ
Chuyến xuyên Việt trong dịp hè
Trong mỗi chuyến đi, chị Cảnh kết hợp tìm kiếm nguồn dược liệu Đông Y để bán, đồng thời kết nối nhiều bạn bè. Chi phí không quá tốn kém vì hai mẹ con chị có khi ngủ lều, võng hoặc tự nấu ăn.
Sau khi đi hết Đông Bắc, Tây Bắc, chị cũng đi thêm vài chuyến ngắn ngày đến Bình Liêu, Bắc Kạn và lên kế hoạch phượt xuyên Việt dịp hè 2022. Tháng 7, bà mẹ đơn thân bắt đầu từ Thái Nguyên di chuyển về Huế, sẵn tiện cho con đi thăm các di tích lịch sử đặc biệt nhân dịp 27/7 ở các tỉnh miền Trung. Nhưng gần đến Huế, thời tiết nắng gắt, bỏng cháy da thịt. Thời gian di chuyển bị chậm hơn so với dự tính. Chị Cảnh đành quay về theo đường Trường Sơn nhánh Tây.
Nắng gắt miền Trung khiến hai mẹ con phải tạm hoãn kế hoạch
Bà mẹ đơn thân tìm hiểu phương hướng, lộ trình qua nhiều kênh. Đường vắng, ít phương tiện di chuyển, xung quanh là rừng, trời tối cũng rất nhanh. Hai mẹ con đứng giữa nơi hoang vắng, một bên là núi, một bên là rừng. Chị Cảnh nói, đó là trải nghiệm "4 không" khiến chị không thể quên: Không có người, không có sóng điện thoại, không điện, không xác định được vị trí mình đang đi cũng như khoảng cách từ mình ra đến đích là bao nhiêu.
Bà mẹ người Dao đi suốt hơn 3 tiếng, đến 21 giờ tối cùng ngày mới ra đến Trạm kiểm lâm gần động Thiên Đường. Chị Cảnh thở phào khi thấy bóng người, thấy nhà dân, ánh điện.
"Hôm đó tính mắc võng, hạ lều dọc đường rồi. Nhưng con rất ngoan, không khóc. Mình đã chuẩn bị đủ đồ ăn, sữa cho con nên hai mẹ con không bị đói. May mắn cũng không gặp nguy hiểm gì, nhưng chạy trong đêm ở 1 nơi lạ với "4 không" cũng là một điều khó quên", chị Cảnh cười.
Những tấm ảnh là món quà vô giá của bà mẹ người Dao
Về lại bản làng người Dao sau mỗi chuyến đi, "món quà" chị Cảnh đem về không chỉ là những tấm ảnh chụp lại kỷ niệm đẹp của 2 mẹ con mà còn là những điều mắt thấy tai nghe, những "lần đầu tiên" ấn tượng chưa từng trải nghiệm.
Bà mẹ đơn thân đặt mục tiêu sẽ hoàn thành nốt chuyến kế hoạch xuyên Việt. Cu Giàng cũng đã đăng ký đi học lớp 2 tuổi nên hành trình "phượt" cần xem xét kỹ lưỡng thời gian. Chị Cảnh vẫn luôn tự hào nhìn con khôn lớn, trưởng thành sau mỗi chuyến đi.
"Đến thời điểm này, con chưa từng ốm đi viện. Có sốt mỗi khi mọc răng hoặc thời tiết thay đổi thôi. Con cũng chưa sử dụng qua bất kì loại thuốc Tây nào, ăn ngoan, ngủ ngon, đại tiện, tiểu tiện đều biết tự kêu mẹ rồi.
Là 1 người mẹ được đi học và cũng đủ sức khỏe, kiến thức để nuôi và dạy con nên mình sẽ luôn làm điều tốt nhất cho con. Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh sống khác nhau, sự nuôi và dạy sẽ khác nhau. Nhưng kết quả chắc chắn ai cũng đều mong muốn sau này bé cứng cáp, khỏe mạnh, khôn ngoan".
Ảnh: Nhân vật cung cấp