Lâu nay, mọi người thường tranh luận về việc nên quản lý khoản tiền lì xì tết của con trẻ như thế nào. Trẻ thì tất nhiên muốn tự giữ để tiêu xài theo ý mình. Bố mẹ thì lại sợ con nhỏ, cầm nhiều tiền "sinh hư", nhưng nếu "tịch thu" thì lại khiến con ấm ức. Vậy làm thế nào cho công bằng, để nếu ai cầm tiền lì xì thì bên còn lại vẫn phải "tâm phục khẩu phục", hoặc nếu không bằng lòng cũng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt"?
Một bà mẹ mới đây có cách làm khá bá đạo. Thay vì ngọt nhạt để con tự nguyện "nộp" lì xì, chị đã làm một trò chơi quay số. Trong đó, có 4 ô với 2 lựa chọn: Không đưa; Tiền lì xì đưa mẹ giữ. Rõ ràng "không đưa" có đến 3 ô, tuy nhiên, cậu bé đen đủi đã quay trúng ngay ô phải giao tiền lì xì.
Dù đã "cầu cứu" VAR nhưng có vẻ kết quả không có gì thay đổi. Cậu bé cuối cùng phải hai tay dâng "thu nhập" mình kiếm được trong những ngày Tết cho mẹ rồi cười trừ đứng dậy. "Quân tử nhất ngôn" dám chơi dám chịu, đến nước này thì không chịu cũng phải chịu chứ biết làm sao.
Trong dịp Tết nguyên đán, việc dạy các bài học về tài chính và kinh doanh cho trẻ em là thời điểm khá phù hợp. Bởi đây là thời điểm trẻ sẽ sở hữu với một khoản tiền không hề nhỏ đối với trẻ - tiền lì xì Tết! Cách đúng để xử lý tiền lì xì là: Điều cha mẹ cần làm là nên nhẹ nhàng hướng cho con cách chi tiêu hợp lý theo kiểu có phần để dành, phần chia sẻ với người khác và phần để trẻ được tự quyết định mua sắm những thứ cho bản thân hay theo ý thích riêng mình.
Có thể chia làm hai phần, một phần dùng làm tiền tiêu vặt cho con. Dặn con nên tham khảo ý kiến trước khi chi tiêu một số tiền lớn hay mua sắm một món hàng có giá trị hơn là cấm đoán, tước đoạt. Phần còn lại phải dùng làm quỹ giáo dục. Bạn có thể đến ngân hàng mở một tài khoản đứng tên con, hàng năm tiết kiệm một ít và tích cóp một khoản nhỏ phòng khi sử dụng. Tất nhiên, việc sử dụng tiền lì xì cần phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình.