"Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng", câu nói đó như ăn sâu vào nếp nghĩ của đại đa số chúng ta.
Nó khiến cho một người đàn ông có con cố gắng tìm lại hạnh phúc của mình sau cuộc hôn nhân đổ vỡ của ngày cũ... thì bỗng dưng người đời lại ái ngại cho những đứa con riêng của anh ta, bởi khi mẹ kế về nhà, "liệu mẹ kế có yêu thương chúng không?", "dì ghẻ thế nào cũng hành hạ con chồng ?".
Nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng "sao mẹ kế, con chồng lại giống nhau đến như thế!?" (Ảnh: Facebook nhân vật)
Người ta không dám tin vào một sự khác biệt, bởi họ đã quá quen với hình ảnh Tấm bị mẹ con Cám hành hạ hay trong tác phẩm Phạm Công Cúc Hoa, chẳng phải Nghi Xuân và Tấn Lực cũng bị dì ghẻ Tào Thị năm lần bảy lượt đòi giết đấy sao?
Bởi, cũng vì thật hiếm hoi có người phụ nữ nào dám tuyên bố "tôi sẽ yêu thương con riêng của chồng như ruột thịt!".
Vậy mà, đầu năm nay, có một người phụ nữ dám đứng lên nói ra điều hiếm hoi đó:
"CON RIÊNG CỦA CHỒNG LÀ THỨ GÌ ĐÓ RẤT HẠNH PHÚC!
Ngày quyết định tìm hiểu và tới với anh, cũng là ngày xác định mình sẽ khó khăn khi anh có con riêng, sẽ thiệt thòi, vất vả hơn.
Nhưng cứ nghĩ và tin, chỉ cần mình cố gắng thì mình sẽ làm được. Nhưng thực tế ko đơn giản như những gì mình nghĩ. Con 8 tuổi, cái tuổi không hẳn lớn để hiểu, nhưng cũng ko phải nhỏ để không biết gì.
Hơn nữa sau chuyện người lớn của bố mẹ, con xa mẹ, con bị khủng hoảng nên khó gần hơn, bố thì bù đắp cho con bằng cách chiều con hơn, nên con cũng khó bảo hơn.
Mình thì lại là đứa ít nói, không biết gần gũi con như thế nào, ngoài câu hỏi con ăn gì chưa, con học chưa... có những khi gần con, nói chuyện với con, con chỉ nhìn với ánh mắt hờ hững. Tủi thân và cảm thấy mình bất lực, mình kém cỏi không biết phải làm sao.
Chỉ ứa nước mắt, không muốn con nhìn thấy nên vào nhà vệ sinh khóc 1 mình. Rồi thời gian, tiếp xúc nhiều hơn, gần gũi hơn nhưng vẫn cảm thấy con không có tình cảm, mà chỉ coi mình như một người quen.
Thời gian chuẩn bị gần cưới, muốn đả thông tư tưởng cho con. Bảo con không gọi là "cô" nữa mà gọi là "mẹ" nhưng con không chịu, hụt hẫng lắm.
Ấy vậy mà sau ngày cưới, lần đầu con gọi "mẹ", cu cậu ngượng miệng, gọi nhỏ và nhanh nhưng vẫn cảm thấy gai hết người vì bất ngờ và hạnh phúc. 2 tuần sau cưới, con bị xuất huyết tiêu hóa, nằm viện.
Đó là khoảng thời gian gần con nhiều nhất, khi đó mình chửa được hơn 2 tháng, bình thường ngồi nửa tiếng là đau mỏi lưng không ngồi nổi rồi.
Vậy mà khi ấy ngồi trông con từ 7h sáng tới 11h đêm cũng không thấy gì, con phải xông dạ dày, cắm ống xông từ mũi rất khó chịu. Nằm trên giường bệnh nhưng lúc nào cũng phải mẹ ngồi cạnh, nắm tay, chả rời chút nào.
Mùng 2 Tết, 2 mẹ con với bác lấy xe đi lượn, vừa ra 1 đoạn thì xe ô tô đỗ bên cạnh đường mở cửa xe không nhìn, đập vào xe mình đi qua, hất mấy mẹ con ngã ra đường. Vừa đứng dậy việc đầu tiên là cu cậu ra xoa bụng mẹ liên tục hỏi mẹ có làm sao không?
Em bé có làm sao không mẹ? Vừa hỏi cu cậu vừa rơm rớm khóc. Ôi lúc đấy chỉ thấy vui và hạnh phúc thôi vì con quan tâm mình, con quan tâm em bé. Trộm vía mấy mẹ con không ai bị sao cả.
Hôm qua đi siêu âm về, ảnh siêu âm để trên bàn, cu cậu đi học về thấy cứ tủm tỉm cười, rồi cậu thủ thỉ, "em bé buồn cười thế!", "em bé đưa 2 tay để lên đầu nhìn buồn cười thế", rồi cứ tủm tỉm..."
Câu chuyện về cuộc hành trình chinh phục con chồng của chị Nhung Đặng (Ảnh: Facebook)
Câu chuyện kia được chị Nhung Đặng chia sẻ trong một hội nhóm chị em, chị bảo mới đầu chỉ kể cho vui thôi, "lúc đó mình hạnh phúc lắm nên muốn kể cho mọi người biết, vậy mà không ngờ bài viết thu hút nhiều sự quan tâm của chị em đến như thế".
Có thể điều đấy lại là minh chứng cho nhiều mối quan hệ mẹ kế-con chồng còn rắc rối ngoài kia, để khi bài viết của chị được đăng lên, nó như một liều thuốc gỡ rối tơ lòng của biết bao nhiêu bà "mẹ ghẻ", bởi "mẹ ghẻ thì sao, chẳng phải từ yêu thương sẽ đến yêu thương, bằng yêu thương sẽ hóa giải mọi hận thù hờn ghét?"
Bài viết thu hút rất nhiều sự quan tâm (Ảnh: Facebook)
Đúng vậy, chị Nhung Đặng dám đập tan định kiến cỗ hủ bởi chị cho rằng nếu đủ yêu và thương thì không gì là không thể, kể cả chinh phục một đứa trẻ con của chồng mà vốn dĩ rất hờ hững với mình những ngày mới về làm quen.
Thậm chí, nhiều khi chị còn phải trốn vào toilet để khóc một mình vì cảm thấy bất lực trong công cuộc làm quen con như trong câu chuyện chị chia sẻ có đề cập.
Rồi tới ngày cưới, cái ngày chị mong đợi đã tới, cũng chính trong cái ngày thiêng liêng này chị nhận được một món quà lớn từ đứa con chồng được gói ghém trong đúng hai từ "mẹ ơi!".
Quả thật với chị, lúc đó hàng trăm lời chúc tụng hạnh phúc không bằng hai tiếng "mẹ ơi!" được phát ra từ chính chiếc miệng con nít nhỏ nhắn của đứa trẻ mà bao ngày qua, chị đã ra sức yêu thương hết mực. Hóa ra đây chính là quả ngọt sau bao ngày chị gieo hạt yêu thương.
Bây giờ thì hai mẹ con họ đã thân thiết đến mức này rồi cơ đấy (Ảnh: Facebook nhân vật)
Liên hệ trực tiếp với chị Nhung Đặng để nghe chị kể thêm về cuộc hành trình chinh phục con chồng và bước qua định kiến:
"Mình chơi với chị dâu của chồng mình bây giờ, nên mình hay lên nhà chơi rồi thân quen với chồng và con mình từ lâu. Rồi thấy cảnh 2 bố con với nhau, mình quyết định tìm hiểu và tiến với chồng mình. Thời gian đầu cháu hờ hững với mình lắm.
Mình thỉnh thoảng chủ động đưa cháu đi xem phim, đi chơi để gần nhau. Đi chơi thì cháu thích nên cháu cũng đi. Còn về nhà cháu lại dửng dưng. Nhiều khi mình hỏi cháu không trả lời, lừ lừ quay đi
Tới tận ngày cưới cháu mới gọi mình là mẹ bạn ạ. Thời gian lúc chuẩn bị cưới thì có đả thông tư tưởng cho cháu, muốn cháu gọi mẹ dần cho quen nhưng cháu không chịu.
Tự dưng sau cưới vài hôm, có hôm mình với chồng mình đi có việc về thì con vào nhà rồi bảo "con chào bố mẹ", mình vỡ òa tại chỗ luôn"
Gia đình nhỏ của chị Nhung Đặng (Ảnh: Facebook nhân vật)
Chị nói thêm về hiện tại, khi đã khá thân thiết và thực sự xem nhau như ruột thịt thì cậu bé có vẻ như cởi mở hơn rất nhiều, không còn ngượng ngùng hay bẽn lẽn khi gọi mẹ nữa, bây giờ mọi chuyện của con chị lo hết, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, đi học, đi chơi,...
Chị cảm thấy mình như một người mẹ thực thụ, một người mẹ ruột đúng nghĩa chứ không phải "mẹ ghẻ" như người đời hay bảo nhau: "Giờ thì mọi thứ của con mình đều chăm lo hết, ăn uống, đưa đón, học hành. Mình rèn con vào nề nếp, ăn uống học hành đúng giờ hơn.
Chứ trước bố cháu chiều, để cháu ăn theo sở thích của cháu, toàn ăn mỳ tôm, bánh kẹo nên bị xuất huyết tiêu hóa. Trộm vía cháu nghe lời mình hơn cả bố".
"Thật sự mình chưa bao giờ nghĩ tới cảnh mẹ ghẻ con chồng. Mình cứ nghĩ mình sẽ yêu thương chăm sóc con như con mình." (Ảnh: Facebook nhân vật)
Làm người đến sau, phải làm mẹ của con chồng nhưng chị chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ không yêu thương đứa trẻ, mặc dù áp lực có đó, lo lắng có đó, đau đầu cũng có luôn đó, mọi thứ nó đến song song cùng với quyết định cưới người đàn ông mà chị Nhung gọi là chồng bây giờ, khiến thời gian đó, chị stress lắm, nhưng không vì "vài chuyện vặt vãnh" như thế mà chị bỏ cuộc.
"Mình tới với chồng mình cũng nhiều áp lực lắm. Mẹ mình buồn nhiều lo mình vất vả. Rồi hàng xóm mọi người nhìn vào.
Cháu khá bướng bỉnh, vì có thời gian cháu bị tăng động, lại được bố và bà nội chiều, có người quen nói không tin mình gần được con, rồi sau này lớn lên, mình già chỉ có mà con đuổi mình ra khỏi nhà, không yêu thương đâu.
Nhưng mình kệ. Thật sự mình chưa bao giờ nghĩ tới cảnh mẹ ghẻ con chồng. Mình cứ nghĩ mình sẽ yêu thương chăm sóc con như con mình. Với mình thì mình xác định mình phải yêu thương được con thì mình mới tới với chồng mình. Chứ nếu mình ghét con thì mình đã yêu và lấy người khác".
Chị Nhung Đặng dẵ dùng yêu thương mà cảm hóa được cậu bé này (Ảnh: Facebook nhân vật)
"Chứ nếu mình ghét con, thì mình đã yêu và lấy người khác", cái câu nghe mới ấm lòng làm sao, vậy mà người ta vẫn ồn ào cho rằng mẹ ghẻ chắc rồi cũng sẽ như thế này, cũng sẽ như thế nọ nhưng rõ ràng, có khó gì để chị Nhung chọn cho mình những quyết định an toàn hơn về cuộc sống hôn nhân an yên bên một chàng trai vờ vịt nào đó đâu, hà cớ gì chị phải lao vào để sắm cho mình cái vai "dì ghẻ" vốn chẳng thơm tho gì? Chị hoàn toàn có quyền chọn lựa mà?
"Cười lên đi, chúng ta sẽ mãi là gia đình của nhau, con nhé!" (Ảnh: Facebook nhân vật)
Câu trả lời đơn giản lắm, bởi vì chị tin, chị dám tin, định kiến rồi cũng sẽ bị hóa giải, có thể nó đúng ở đâu đó, nhưng với gia đình nhỏ của chị thì không, chị chọn dùng yêu thương để mở đường cho những mối quan hệ, "cho dù không ruột thịt đi chăng nữa, dăm ba bữa mình thì cũng nhận được trái ngọt thôi".
Rồi chẳng phải bây giờ, như chị nói, "dì ghẻ" đang hạnh phúc bên con chồng, đứa bé đang í a í ới gọi "mẹ ơi!" rồi xoa bụng mẹ để nghe tiếng đứa em cùng cha sắp chào đời hay sao?